Không thể phủ nhận mua sắm online mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng như: nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận thông tin, so sánh giá cả, tiết kiệm thời gian... Nhưng bên cạnh đó là những rủi ro không thể tránh khỏi. Những kinh nghiệm "xương máu" dưới đây có thể giúp bạn mua sắm online an toàn hơn.
Chị Đàm Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, không dưới 3 lần chị thất vọng tràn trề khi nhận được những món hàng chẳng hề giống hình ảnh quảng cáo khi đặt hàng online.
“Những bộ quần áo trông hấp dẫn như thế nào trên các cổng thông tin mua sắm, bạn chẳng bao giờ có thể chắc chắn mình sẽ nhận được chúng. Chưa kể là kích thước, sắc màu và hoa văn bên ngoài thực tế có thể khác biệt so với hình ảnh trên mạng và chiếc váy được chọn có khả năng không thích hợp với bạn. Đây là rủi ro lớn nhất của mua sắm online”, chi Hương nói.
Do đó, chị Hương cho rằng mỗi khi mua hàng, bạn nên lựa chọn những website bán hàng trực tuyến đáng tin cậy, những nhãn hàng có tên tuổi, uy tín. Ngoài ra cũng cần đọc kỹ các tất cả thông tin sản phẩm và chế độ đổi trả, bảo hành trước khi mua.
“Đặc biệt là hãy xác định cách thức thanh toán khi nhận hàng COD. Khi nhận hàng nhớ kiểm tra thật kỹ món hàng, nếu đúng mô tả thì mới thanh toán”, chị Hương khuyên.
Còn anh Nguyễn Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) thì chia sẻ rằng, nếu muốn mua sắm một mặt hàng nào đó và mong muốn có nó ngay trong ngày thì hình thức mua sắm trực tuyến không dùng cho bạn.
“Khi đặt hàng online, phải mất ít nhất 3-5 ngày. Hoặc thậm chí vài tuần chờ đợi để nhận được món hàng. Điều này có thể làm mất sự phấn khích của bạn khi mua sắm. Do đó, nếu cần một chiếc áo diện tiệc sinh nhật tối nay, thì ngay trong ngày bạn nên ghé vào cửa hàng quần áo, chọn và thử một chiếc áo thật ưng ý rồi mua ngay lập tức", anh Tuấn nói.
Ngoài ra, theo anh Tuấn, việc mua sắm online mang lại rủi ro rất lớn cho các mặt hàng bị giải quyết sai trong lúc vận chuyển. Người tiêu dùng sẽ mất rất nhiều thời gian để đòi quyền lợi chính đáng cho mình.
“Dù cho các sàn thương mại điện tử đều có chính sách hoàn trả nghe có vẻ dễ dàng nhưng vì liên quan đến các doanh nghiệp vận tải nên ngoài việc mất thời gian, bạn còn có thể mất thêm phí vận chuyển cho yêu cầu đổi trả lại hàng hóa", anh Tuấn nói.
Anh Vũ Thành (Đống Đa, Hà Nội) thì cho rằng muốn làm người tiêu dùng thông thái trong thời đại 4.0, chúng ta cần hết sức cẩn trọng bởi rất có thể chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của lừa đảo online.
Anh chia sẻ: “Một số trang website sẽ bán sản phẩm với giá giảm sốc để kích thích tính ham rẻ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau đó lại gửi sản phẩm kém chất lượng hoặc đã qua sử dụng. Do đó, cần hết sức tỉnh táo với những sản phẩm khuyến mãi sốc".
Cuối cùng, nếu đã hết sức cảnh giác nhưng vẫn gặp phải những rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng có thể gửi yêu cầu tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố; gửi yêu cầu tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) qua bưu điện đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Người tiêu dùng cũng có thể gửi phản ánh qua email: [email protected]; hoặc gọi tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng: 18006838 để được giải quyết.
Bình luận