• Zalo

Kịch bản Nga mua tàu sân bay của Trung Quốc khiến Mỹ đau đầu

Quân sựThứ Sáu, 05/11/2021 14:51:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhận định này được các nhà quan sát đưa ra khi Mỹ và đồng minh vừa khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong một bài bình luận mới đây trên tờ Defense News, Lyle Goldstein - Giám đốc các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities cho biết, sự hình thành của liên minh an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nguy hiểm hơn nữa là việc này còn thúc đẩy Nga – Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.

Ông Goldstein cũng tỏ ra hoài nghi khả năng Australia sẽ nhận được các tàu ngầm hạt nhân như cam kết của Mỹ và Anh theo thỏa thuận AUKUS trong vòng 20 năm tới.

Ngay cả cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng tỏ ra không mấy tin tưởng vào thỏa thuận AUKUS, bởi một quốc gia chưa có bất kỳ chương trình phát triển năng lượng hạt nhân nào như Australia làm sao có thể vận hành các tàu ngầm hạt nhân, chứ chưa nói đến chế tạo.

Kịch bản Nga mua tàu sân bay của Trung Quốc khiến Mỹ đau đầu - 1

Thỏa thuận AUKUS đang khiến Nga - Trung Quốc xích lại gần nhau hơn và Mỹ dường như không lường hết trước mọi nguy cơ. (Ảnh: Getty Images)

“Không có thiết kế, không có ngân sách cụ thể, không có hợp đồng. Điều chắc chắn duy nhất tôi có thể chắc chắn là Australia sẽ không có bất kỳ tàu ngầm tấn công mới nào trong 20 năm tới, nếu có đi nữa thì giá phải trả sẽ cực đắt”, ông Turnbull nhấn mạnh.

Trong khi đó, thỏa thuận AUKUS có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang dưới đáy biển khi các quốc gia đầu tư nhiều hơn cho lực lượng tàu ngầm. Trước khi AUKUS được hình thành, Trung Quốc đã cho thấy rõ tham vọng của họ khi không ngừng mở rộng quy mô hạm đội tàu ngầm hạt nhân.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những giới hạn trong công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, họ không hề giấu giếm điều này và tỏ ý muốn hợp tác với Nga để nâng cấp năng lực đóng tàu ngầm hiện có.

Một bài báo mới đây trên tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc cho rằng, đối mặt với những thách thức trên biển hiện tại, Bắc Kinh và Moskva nên tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, điều này có thể giúp phát huy thế mạnh của cả hai nước.

Cũng phải nhấn mạnh rằng rất nhiều công nghệ đang được sử dụng trên các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của Trung Quốc có nguồn gốc từ Nga.

Trước đó, vào năm 2020, đã có thông tin cho thấy Nga và Trung Quốc đang hợp tác phát triển một lớp tàu ngầm tấn công mới. Bắc Kinh cũng mua thêm số lượng lớn trực thăng tấn công từ Moskva.

Goldstein dự đoán rằng thỏa thuận AUKUS có thể thúc đẩy việc Nga sẽ mua tàu sân bay của Trung Quốc, còn Bắc Kinh sẽ mua tàu ngầm hạt nhân từ Moskva. Đây là viễn cảnh mà Mỹ và đồng minh không hề mong muốn.

“Rất có thể trong tương lai hải quân Nga sẽ được trang bị tàu sân bay do Trung Quốc sản xuất, còn hải quân Trung Quốc sẽ ra khơi trên các tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất do Nga sản xuất", Goldstein cho biết.

Phần kết trong bài phân tích của Goldstein, chuyên gia này thừa nhận rằng liên minh bán thường trực giữa nước Nga thiên tài về ý tưởng thiết kế quân sự và Trung Quốc nhạy bén trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đối với các dự án lớn có thể là hậu họa đáng lo nhất của thỏa thuận AUKUS.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn