• Zalo

Không chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết

Sức khỏeThứ Tư, 12/12/2018 17:11:00 +07:00Google News

Đó là một trong những khuyến nghị đến người dân nhằm thực hiện công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.

Hoạt động này diễn ra nhằm mục đích phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

images1013219_siue_thi_thp_ant_10_04_03_854

 

Kế hoạch nêu rõ, đối với người sản xuất, chế biến hoặc kinh doanh thực phẩm, cần phải được phổ biến các thông tin về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Các nguyên liệu phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Việc bảo quản các thực phẩm như giò, chả, bánh chưng, bánh tết, mứt cổ truyền cũng cần được thực hiện kĩ càng, chu đáo để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đối với người tiêu dùng thực phẩm, cần được hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn, cách đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn; không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không nên chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.

Trước tình trạng nhiều ca ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết, Ban chỉ đạo cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với những thực phẩm có nguy cơ gây ra ngộ độc, ví dụ như uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong.

Ngoài ra, người dân cũng không nên lạm dụng rượu, bia trong ngày tết, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống ượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Bên cạnh ngộ độc rượu thì ngộ độc nấm cũng là một trong những tai nạn nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người, do vậy, người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, ôi thiu.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.

Ngoài ra, nếu phát hiệu các cơ sở, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm cần công khai và báo cho cơ quan chức năng, đồng thời thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để những người khác cùng biết hạn chế tối đa các nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn, các trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng thường diễn ra trong các dịp Tết.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn