GS.TS.TTND Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, cho biết hiện tại nhu cầu ghép thận ở nước ta rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận.
Ngoài nguồn hiến là người chết não, thận còn có thể được hiến từ người còn sống. Những người tự nguyện có thể hiến tặng một trong hai quả thận của mình cho các bệnh nhân suy thận mạn tính trong danh sách chờ ghép.
Người cho và nhận có được biết nhau không?
Tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định những người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Nếu đủ điều kiện này, một người có thể hiến thận khi còn sống.
GS Sơn cho biết pháp luật không cấm người hiến thận sống và người nhận gặp nhau. Hiện các ca ghép thận sống thường là tự nguyện giữa người thân trong gia đình hoặc hai người không cùng huyết thống nhưng biết nhau và cùng nhau đến các trung tâm để đăng ký.
Về nguyên tắc, khi tự nguyện hiến tạng khi sống, người đó phải đến các trung tâm để đăng ký, sau đó thông tin về người hiến sẽ được cập nhật lên danh sách chờ ghép và được tiến hành ghép cặp sau đó. Pháp luật không cấm hai bên gặp nhau.
Theo GS Sơn, pháp luật đã có quy định rõ việc nghiêm cấm các hành vi mua bán tạng, có yếu tố thương mại. Tuy nhiên, trong trường hợp hai người không cùng huyết thống cùng đến xin được ghép tạng (bằng cách tự xưng anh/chị em kết nghĩa, bạn bè thân thiết, quý mến, giúp đỡ nhau) các bác sĩ rất khó can thiệp và tìm hiểu động cơ phía sau, họ thường phải ưu tiên cứu người bệnh trước.
Chỉ khi phát hiện có hành vi mua bán, các bác sĩ tuyệt đối không tiến hành ghép tạng và báo công an can thiệp.
Đồng thời, trước khi tiến hành ghép tạng, thủ tục bắt buộc phải có sự đồng thuận của vợ/chồng hoặc cha, mẹ người tự nguyện hiến.
Theo GS Sơn, một trong những giải pháp để kiểm soát tốt nạn mua bán tạng, là Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đang nỗ lực xây dựng “Danh sách chờ ghép quốc gia” và “Danh sách đăng ký hiến tạng quốc gia”.
Các cơ sở y tế có trách nhiệm báo cáo cung cấp thông tin, cập nhật hai danh sách trên để bảo đảm hoạt động điều phối hiến, ghép tạng trên “Phần mềm Hệ thống Quản lý và Điều phối ghép tạng quốc gia” công bằng, minh bạch và tự động theo luật định.
Từ đó, việc ghép tạng từ người cho là người sống chỉ thực hiện khi họ đã đăng ký hiến tạng.
“Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến phần bồi dưỡng, tức là chi phí mà Nhà nước sẽ chi trả cho những người hiến tạng sống bằng một con số cụ thể, công khai và xứng đáng, sẽ tránh được hiện tượng “cò mồi”, “môi giới” mua bán tạng. Nếu Việt Nam làm được như vậy rất tốt, không xảy ra chuyện có người trung gian trong lĩnh vực này”, GS Sơn khẳng định.
Quy trình đăng ký hiến tạng thế nào?
Nếu một người muốn đăng ký hiến thận, có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất bày tỏ ý nguyện. Cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo về Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế để thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp tiếp nhận đơn đăng ký hiến mô, tạng của người muốn hiến và hoàn tất các thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tạng.
Hoặc người dân có thể đến trực tiếp Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế để đăng ký. Người đăng ký sẽ được cấp thẻ ngay sau đó.
Hai tuần sau khi đăng ký, người hiến thận sẽ được gọi để khám sức khỏe ban đầu, tổng quát, đảm bảo không có bệnh lý kèm theo. Sau đó, thông tin về việc hiến thận sẽ được cập nhật trên danh sách người cho thận.
Khi xác định người nhận có khả năng tiếp nhận quả thận hiến, người cho sẽ được liên hệ để tiếp tục làm rất nhiều các xét nghiệm tiếp theo, trước khi bắt đầu ca ghép.
Theo GS Sơn, độ tuổi người cho nên tương đương hoặc lớn hơn người nhận và đảm bảo phản ứng chéo giữa người cho và nhận, các xét nghiệm viêm gan virus B, C và nhiễm virus CMV, EBV,... của cả hai đều âm tính mới được phép hiến - ghép tạng.
Việc chuẩn bị bệnh nhân trước khi ghép tạng nhất là với người cho thận là người sống rất quan trọng. Người cho phải có nhóm máu phù hợp, không có bệnh lây truyền, bệnh hệ thống, bệnh ung thư, hai thận phải có chức năng tốt và giải phẫu bình thường. Về miễn dịch học và các xét nghiệm cho phép ghép về tương hợp mô (tương hợp về hệ thống DLA, thử chéo, tiền mẫn cảm).
Người hiến cũng phải làm kiểm ra tâm lý về sự tự nguyện. Trước ca ghép, người hiến được chăm sóc và có những yêu cầu nhất định trong sinh hoạt. Họ cũng cần có người thân ký xác nhận vào giấy trước khi ca phẫu thuật diễn ra.
Video: Hàng trăm bác sĩ nín thở thực hiện cùng lúc 4 ca ghép thận trong đêm
Thận hiến có tuổi thọ bao lâu?
Theo GS Sơn, về tuổi thọ trung bình của các bộ phận, trên nguyên tắc chung, nếu bệnh nhân nhận tạng từ người khỏe mạnh, đồng thời là người trong cùng huyết thống sẽ có tuổi thọ dài nhất. Tiếp đến là khác huyết thống, sau đó là người chết não và cuối cùng từ người hiến đã ngừng tim.
Bên cạnh yếu tố từ người cho, tuổi thọ của tạng còn có các yếu tố liên quan đến cơ địa người nhận, thuốc sử dụng, bệnh lý phối hợp, các yếu tố môi trường địa lý…
Người hiến thận có quyền lợi gì?
- Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.
- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
- Được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.
- Được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.
Bình luận