Trong quan hệ mua, bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng thường ở vị trí yếu thế hơn do còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và nhận biết hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro; đồng thời, cũng hạn chế trong hiểu biết các quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình.
Do đó, việc bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp có vai trò vô cùng quan trọng, ngoài việc giúp bảo vệ lực lượng yếu thế hơn trong quan hệ mua bán thì trong quá trình thực thi, tuyên truyền pháp luật bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết pháp luật của người tiêu dùng.
Tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua năm 2010 quy định về quyền của người tiêu dùng cụ thể như sau:
Thứ nhất, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Thứ hai, được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Thứ ba, người tiêu dùng được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Thứ tư, góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Thứ năm, tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ sáu, người tiêu dùng được phép yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Thứ bảy, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cuối cùng, thứ tám, người tiêu dùng được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy, khi tham gia mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng phương thức bán hàng trực tiếp, người tiêu dùng sẽ có đầy đủ các quyền như trên.
Là người tiêu dùng, bạn hãy ghi nhớ và tận dụng 8 quyền cơ bản này để đảm bảo lợi ích của mình khi tham gia mua bán hàng hóa.
Bình luận