• Zalo

Khách nội địa có cứu được ngành khách sạn?

Bất động sảnChủ Nhật, 25/10/2020 11:00:00 +07:00Google News

Trong bối cảnh hạn chế đi lại và cảnh giác cao về vấn đề an toàn, trào lưu du lịch gần nhà đang nở rộ trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Kỳ nghỉ thường được hiểu là một chuyến đi dài ngày đến những nơi xa trong và ngoài nước, thì staycation sẽ là chuyến du lịch ngay tại thành phố sở tại, hoặc các thành phố lân cận chỉ cách vài tiếng di chuyển.

Staycation (kỳ nghỉ tại chỗ) vẫn có thể đáp ứng nhu cầu thay đối không khí và thư giãn, mà không tốn quá nhiều thời gian di chuyển.

Khách nội địa có cứu được ngành khách sạn? - 1

Du khách nội địa được kỳ vọng có thể "cứu" ngành du lịch trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh: Quỳnh Danh)

Mặc dù lượng khách từ trào lưu này không thể bằng lượng khách du lịch quốc tế trước đại dịch COVID-19, nhưng vẫn tốt hơn là để trống phòng. Trong thời gian cách ly, các khách sạn khó kiếm doanh thu từ phòng trừ khi họ hoạt động như một khu cách ly của chính phủ. Trào lưu staycation là một động lực lớn về mặt tinh thần cho các nhà kinh doanh khách sạn.

Theo ghi nhận của JLL, ở Trung Quốc, các công ty du lịch và khách sạn đang nỗ lực để khuyến khích du lịch sau nhiều tháng chống dịch. Vì không thể du lịch nước ngoài, đa số người dân đã chọn đi đến những thành phố gần với địa phương của mình để nghỉ dưỡng. Đại dịch toàn cầu khiến thị trường du lịch thế giới rơi vào tình trạng đóng băng, điểm dừng đầu tiên trên con đường phục hồi đầu tiên của ngành khách sạn và du lịch chính là thị trường nội địa.

Tại Việt Nam, sau nhiều tháng đóng cửa, cơn "đói" du lịch cũng đang là động lực thúc đẩy doanh thu cho ngành khách sạn Việt Nam. Các thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang cũng đông đúc trở lại vào những ngày cuối tuần kể từ khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng. Đây là một tín hiệu tốt cho các chủ khách sạn phải đối mặt với hiện trạng phòng trống dài hạn suốt những tháng qua.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, dự báo ngành du lịch vẫn rất khó khăn đến cuối năm 2021, đầu 2022. Khi chưa thể đoán được thời điểm khách du lịch quốc tế trở lại, doanh nghiệp phải "toàn tâm toàn ý" cho thị trường trong nước.

Chủ tịch Vietravel cho biết thêm, khi công ty chuyển đổi toàn bộ hoạt động để phục vụ tốt nhất khách nội địa chính là lúc ông nhận ra các doanh nghiệp lữ hành chưa đối xử công bằng với khách du lịch trong nước vì sản phẩm cung cấp cho khách hàng chưa có tính kết nối, chưa thật sự đúng yêu cầu.

Do đó, để phát triển thị trường du lịch nội địa bền vững, doanh nghiệp phải thay đổi sản phẩm, tái định vị. Ông Kỳ khẳng định nếu phục vụ đúng nhu cầu của người tiêu dùng Việt, thị trường nội địa có thể giúp doanh nghiệp tồn tại và sống tốt đến năm 2021. Minh chứng là doanh thu tháng 7 của Vietravel cao hơn cả mức trước dịch khi công ty tập trung toàn bộ nguồn lực cho thị trường nội địa.

Theo chuyên gia của JLL, ngoài các chương trình giảm giá hấp dẫn hoặc các gói khuyến mãi, các chuỗi khách sạn cũng cần nghiên cứu thêm để mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng nội địa. Đây là thời điểm để các khách sạn thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm các loại hình khác nhau để gia tăng giá trị dịch vụ. Với việc nhiều thành phố vẫn thực thi chính sách làm việc tại nhà, các khách sạn có thể giữ khách ở lại lâu hơn.

Ví dụ, ở Ấn Độ, các khách sạn đã và đang cung cấp các gói “workcation”, nghỉ dưỡng kết hợp làm việc như một biến thể của staycations. Loại hình nghỉ dưỡng này rất thích hợp với những gia đình có con nhỏ và bận rộn, khi bố mẹ có thể vừa làm việc từ xa, vừa tận hưởng sự thư giãn trong không gian khách sạn.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn