Phát biểu tại Diễn đàn “Logistics nâng cao giá trị nông sản” ngày 23/11 tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kể: “Tôi cũng thỉnh thoảng đi mua trái cây. Khi chọn vú sữa, chị bán hàng đưa ra 2 loại, một loại giá cao và một loại giá thấp. Tôi chọn loại giá cao và hỏi chị bán hàng đây có đúng là vú sữa tàu không, hay là vú sữa xe bán với giá vú sữa tàu. Chị bán hàng ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi sao bác biết và khẳng định đó là vú sữa tàu”.
Phó Thủ tướng giải thích, “vú sữa tàu” là loại được vận chuyển bằng tàu bay nên khi đến nơi thì vẫn còn tươi nguyên nên giá cao, còn “vú sữa xe” được vận chuyển bằng ô tô thì mất nhiều thời gian, không tươi ngon nữa, giá không cao.
“Logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản. Sản lượng nông sản của nước ta rất nhiều nhưng giá trị chưa cao vì chi phí vận chuyển rất tốn kém, người nông dân chưa giàu”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm, chi phí vận chuyển 1kg thanh long sang Mỹ hết 3,5USD nhưng giá bán chỉ 7USD. Do chi phí chiếm hết một nửa nên lợi nhuận thu lại không đáng bao nhiêu.
Nông sản Việt Nam tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics ở đây lại rất kém nên chi phí vận chuyển rõ ràng rất tốn kém, giá trị nông sản không cao.
“Vì vậy việc chúng ta tập trung phát triển logistics không chỉ mang lại lợi nhuận cho người nông dân mà còn là đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ nói chung phải cao hơn tốc độ tăng GDP. Trong phát triển dịch vụ thì ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hiện đại và có tính hội nhập quốc tế, trong đó có dịch vụ logistics.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc Chính phủ thúc đẩy logistics và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng để giảm chi phí, giá thành hàng hóa, trong đó có nông sản và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Công nghệ thông tin sẽ giúp logistics “cất cánh” được ở Việt Nam trên các nền tảng robot tự làm, định vị dẫn đường, giám sát, ứng dụng quét mã vạch trong quản lý kho bãi, tối ưu hóa tồn kho dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tích hợp dịch vụ quản lý đơn hàng, bán hàng trực tuyến...
Về hạ tầng để phát triển logistics, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung hoàn thiện kết nối Bắc - Nam, ưu tiên cho cao tốc đường bộ tới từng tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025; quan tâm tới kết nối Đông - Tây để sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đường bộ, cảng biển của các vùng và cả nước cũng như các quốc gia trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: Trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13-15%. Hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, bao gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải.
Sự phát triển của ngành logistics sẽ đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Tuy vậy, ông Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra, logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí còn cao, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu.
Bình luận