• Zalo

Vai trò của đầu tư tư nhân vào hạ tầng logistics

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Ba, 24/09/2019 15:07:00 +07:00Google News

Việt Nam đang đề ra kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả logistics đến 2025 lên 5-10 bậc, bằng việc chuyển dần phụ thuộc vào đầu tư công sang khu vực tư nhân vào các loại hình vận tải đa phương thức.

Vai trò của tư nhân nhìn từ Dự án Cái Mép

Sau thời gian dài vướng mắc, tháng 7 vừa qua Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã “bật đèn xanh” cho Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ.

Theo đó, đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn Công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.

Đối với dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ, đây là dự án đã được giao chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC). Do vậy, Công ty Cổ phần Xuất, nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Tập đoàn Geleximco chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Được biết, hai dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,32 tỷ USD với diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 1.168ha, trong đó khu bến cảng 105 ha, khu trung tâm logistics là 1.000 ha.

Dự án nói trên hứa hẹn không chỉ mang lại hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương, mà còn đóng góp nâng cao năng lực của hạ tầng logistics trong vùng cũng như quốc gia. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là với sự được đầu tư bài bản của DN trong nước như Geleximco và chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý của địa phương, cụm cảng Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ là địa điểm tập kết hàng hoá xuất nhập khẩu cũng như phát triển mạnh các dịch vụ hàng hải và logistic của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nếu nhìn vào Quyết định số 708/QĐ-BCT của Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam trong xếp hạng LPI do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5-10 bậc, có thể nói Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ như “phát súng hiệu” của Chính phủ trong phát huy vai trò của đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng logistics.

Nói về vai trò hạ tầng logistics trong phát triển kinh tế cũng như vai trò của đầu tư nhân ở lĩnh vực này, ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, đầu tư hạ tầng của Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào đường bộ hơn là các loại hình vận tải đa phương thức khác.

Cùng với đó, Việt Nam nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công để chuyển dịch sang khu vực tư nhân. Cần thiết lập sự ưu tiên rõ ràng cho việc đầu tư thiết yếu, đó mới chính là chìa khóa để có hệ thống kết nối tốt hơn, tạo đà cho phát triển ngành logistics.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lương Quang Diệu - Phó giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu Công ty TNHH Luật Việt Á chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics trong nước phát triển hơn nữa thì rất cần có sự hỗ trợ mạnh hơn, như các chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp làm dịch vụ này.

Cai Mep Ha

Vị trí quy hoạch dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ 

Tiềm năng lớn nhưng thực trạng còn hạn chế

Theo ông Nguyễn Hùng, chuyên gia thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam khẳng định, Việt Nam có vị trí địa lý rất thuận lợi cho vận tải quốc tế, nằm ở khu vực chiến lược trong vùng Đông Nam Á, đường bờ biển trải dài 3.260km, có nhiều vị trí có thể xây dựng cảng nước sâu, cùng với đó là rất nhiều sông ngòi, có cả đường bộ và đường sắt... là tiền đề khả quan để phát triển ngành logistics.

Việt Nam cũng đang có nhiều cơ hội để phát triển logistics khi Chính phủ đang đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế thông qua những cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế và tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế.

Giai đoạn 2016-2018, ngành logistics Việt Nam đạt mức tăng trưởng từ 12-14%. Năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng Việt Nam ở thứ 36/160 quốc gia được nghiên cứu về logistics toàn cầu, tăng 35 bậc so với 2016 và xếp thứ 3 trong các nước ASEAN.

Trước khi có Quyết định số 708/QĐ-BCT của Bộ Tài chính, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 mở ra một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam. Điều đó cho thấy định hướng rõ ràng của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng logistics.

Tuy nhiên, một rào cản ngăn trở dịch vụ logistics tăng tốc phát triển là cơ sở hạ tầng logictics của Việt Nam còn yếu. Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan (TP Biên Hòa) hoạt động trong lĩnh vực logistics cho hay, hạ tầng giao thông trong đó có cả đường bộ và cảng biển còn yếu kém là một rào cản lớn khiến lĩnh vực này khó tăng tốc.

PGS,TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cho rằng, để lĩnh vực logistics trong nước phát triển cần nguồn đầu tư mạnh để xây dựng hạ tầng, kết nối các loại hình vận tải.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, do chưa nhận thức về việc phát triển ngành logistics thành một ngành dịch vụ cơ bản để hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác, một số tỉnh, thành phố có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được.

Với quy mô và ý nghĩa của Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ vừa được Chính phủ “bật đèn xanh”, hy vọng Tập đoàn Geleximco sẽ thể hiện được vai trò sau “phát súng hiệu” về đầu tư tư nhân vào hạ tầng logistics trong thời gian tới.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn