Phát biểu trong một cuộc họp với nội các hôm 14/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết nước này đang mở rộng chương trình hạt nhân hiện có khi không còn bị ràng buộc bởi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - hay còn được biết tới với các tên khác là thỏa thuận hạt nhân Iran (2015).
Tham gia vào JCPOA, không chỉ có Iran và Mỹ mà còn các nước Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức.
Theo như tuyên bố của ông Rouhani trong cuộc họp, Iran sẽ tăng mức làm giàu uranium lên tới 90%, gấp gần 25 lần so với mức quy dịnh trong JCPOA (3,67%).
“Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran (AEOI) có thể làm giàu uranium lên mức 20% và 60%, nếu một ngày nào đó lò phản ứng của chúng tôi cần con số này có thể đạt 90%”, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Iran cũng cho biết kế hoạch vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Fordow mà phương Tây luôn theo đuổi đã thất bại. Giờ đây cơ sở này không ngừng được mở rộng như một minh chứng cho quyết tâm của Tehran đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Theo các chuyên gia hạt nhân, con số 90% được Rouhani nhắc đến là điều đáng lo ngại bởi nó được xem là mức tiêu chuẩn tối thiểu để sản xuất vũ khí hạt nhân. Việc làm giàu uranium lên mức 20% đã vượt quá các ứng dụng cho dân sự.
JCPOA, vốn đưa ra những hạn chế đối với tham vọng hạt nhân của Iran, mọi thứ vẫn đi theo “kế hoạch” cho đến khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận (2018), đồng thời tăng cường các lệnh trừng phạt lên Tehran. Đây cũng là nguyên nhân khiến Iran từ chối thực hiện các thỏa thuận trong JCPOA
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Iran từng tuyên bố sẽ tăng mức làm giàu uranium lên 60% ngay sau khi cơ sở hạt nhân Natanz của nước này bị tấn công, Israel được cho là đứng sau vụ việc.
Trong khi đó các cuộc đàm phán tại Vienna nhầm đưa Mỹ và Iran trở lại JCPOA diễn ra không mấy suôn sẻ bởi hai bên đều không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Giới phân tích cho rằng khác biệt sẽ càng lớn khi Tổng thống Iran mới đắc cử Ebrahim Raisi lên nắm quyền vào tháng 8 tới.
Bình luận