Theo Icis.com, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,4% vào năm 2020, thuộc nhóm cao nhất thế giới nhờ các hành động tài khóa và tiền tệ nhanh chóng nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Hồi tháng 10, IMF cũng đưa ra nhận định Việt Nam có thể tăng trưởng 1,6%, thuộc số ít quốc gia trên thế giới được dự báo tăng trưởng dương.
Bà Era Dabla-Norris, Trưởng phái đoàn Điều IV Vụ châu Á – Thái Bình Dương của IMF cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP dự kiến tăng lên 6,5% khi các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước được bình thường hóa.
Theo bà Era Dabla Norris, những chính sách củng cố tài khoá thận trọng trong quá khứ đã tạo điều kiện cho Việt Nam triển khai được nhiều biện pháp ứng phó. Các chính sách tài khoá của Việt Nam chủ yếu hướng tới việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm căng thẳng tài chính tạm thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp giảm áp lực thanh khoản, hạ thấp chi phí nguồn vốn và đảm bảo tín dụng tiếp tục lưu thông.
Theo số liệu của IMF, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7% trong năm 2019.
Báo cáo về Việt Nam sẽ được IMF thảo luận vào tháng 1/2021.
Dựa theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) của IMF, Bloomberg cũng chỉ ra nhiều phát hiện đáng chú ý từ dữ liệu của IMF, cho thấy những bước tiến lớn về thu nhập bình quân đầu người trong vòng 25 năm ở các nước Đông Âu và châu Á. Theo đó, Việt Nam và một số quốc gia khác được dự báo có sự thăng hạng mạnh mẽ.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam xấp xỉ 2.700 USD trong năm 2000, dự báo sẽ đạt 12.100 USD vào năm nay và tăng lên 16.100 USD vào năm 2025 (tính theo phương pháp PPP). Điều này có nghĩa GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng gấp gần 6 lần trong 25 năm.
Bình luận