Trả lời VTC News, chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường cho rằng, khi cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, cổ đông sẽ chịu thiệt hại lớn, do rất khó chuyển số cổ phiếu đang có thành tiền mặt. Nhưng thị trường có lẽ không ảnh hưởng nhiều vi mã FLC đã bị đình chỉ giao dịch từ tháng 9/2022. Từ đó đến nay, nhà đầu tư đã có thời gian chuẩn bị tâm lý, nên khi thông tin hủy niêm yết được công bố thì cũng không còn ảnh hưởng nhiều đến thị trường, dù khó tránh khỏi xáo trộn ban đầu.
Ngoài ra, việc hủy niêm yết không có nghĩa là các cổ đông đang sở hữu cổ phiếu FLC mất trắng. Nhà đầu tư cần bình tĩnh, phối hợp với doanh nghiệp để có phương án xử lý tốt nhất. Mã FLC sẽ không được niêm yết và giao dịch trên HoSE nhưng nếu đáp ứng đủ các điều kiện, cổ phiếu FLC sẽ được đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để duy trì thanh khoản. Trường hợp cổ phiếu FLC được giao dịch trên UPCOM, nhà đầu tư có thể làm thủ tục giao dịch cổ phiếu như bình thường.
“Gần đây sàn UPCOM đang dần được doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm. Nhiều mã cổ phiếu trên sàn này có thanh khoản tốt, lợi nhuận cao, cơ hội đầu tư sinh lời lớn…Đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM, cổ phiếu vẫn có thanh khoản, nhà đầu tư có điều kiện giao dịch, nhưng sẽ khó khăn hơn”, chuyên gia nói.
Vẫn theo chuyên gia, đây là bài học cần thiết cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ, phải có kỹ năng chứ không nên mua theo xu hướng. Đồng thời nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp có ý định định đầu tư, phân tích hoạt động kinh doanh, theo dõi thông tin thị trường và nhiều yếu tố khác. Nếu không sẽ rất dễ rơi vào rủi ro, thậm chí "tay trắng rời sàn" vì thua lỗ.
Tương tự theo luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc Công ty luật TNHH Phúc Khánh Hưng, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Nói cách khác, với cổ phiếu đang được sở hữu thông qua công ty chứng khoán FLC thì nhà đầu tư vẫn là cổ đông của công ty. Việc hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của họ với tư cách cổ đông.
"Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được", luật sư Nguyễn Hưng nói.
Từ 20/2, gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ bị loại khỏi sàn HoSE. Theo HoSE, việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC do tổ chức niêm yết vi phạm nghiệm trong nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 31/2021, HOSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9/2022. Như vậy sau khoảng 9 năm rưỡi, FLC đã phải rời sàn HoSE.
Chiều 14/2, FLC Group có kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC, trong đó cần thiết xem xét đến các lý do khách quan cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.
FLC Group cho biết, thời gian gần đây, Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh liên quan đến việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra.
Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc nêu trên là trong thời gian dài, Tập đoàn FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của FLC.
Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực, ngày 20/9/2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Nhưng do nhiều lý do khách quan, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.
Xác định việc chưa có báo cáo kiểm toán xuất phát từ các nguyên nhân bất khả kháng, FLC đã liên tiếp có văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước để giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ.
Cụ thể, tại văn bản số 478/FLC-VPTĐ ngày 25/8/2022, FLC đã “đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét và có chỉ đạo tới Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng, không xem xét về việc đình chỉ giao dịch/huỷ niêm yết đối với Tập đoàn FLC cho đến khi Bộ Tài chính chỉ định được công ty kiểm toán kiểm toán và công ty kiểm toán hoàn tất kiểm toán báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC”.
Tiếp theo, ngày 10/2/2023, FLC tiếp tục có văn bản đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE “chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng”; “hướng dẫn công ty kiểm toán nhanh chóng hoàn tất kiểm toán báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC”; “không xem xét về việc đình chỉ giao dịch/huỷ niêm yết đối với Tập đoàn FLC cho đến khi công ty kiểm toán hoàn tất kiểm toán".
Đến ngày 14/2/2023, FLC nhận được quyết định hủy niêm yết cổ phiếu FLC của HoSE từ 20/2/2023, với lý do “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin”. Nhận thức lý do bị hủy niêm yết xuất phát từ việc chưa công bố báo cáo kiểm toán, trong khi việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và là việc bất khả kháng không thể khắc phục được trong thời gian ngắn, FLC đã tiếp tục có văn bản kiến nghị mới nhất gửi cơ quan quản lý.
"FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình nêu trên", thông cáo của FLC nêu.
Bình luận