Ngày 11/3, Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội phối hợp với UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Bình Dương tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Đã có nhiều kết quả, nhiều dấu ấn nổi bật được các cơ quan, tổ chức nỗ lực xây dựng và thực hiện.
Trong số đó, không thể không kể đến sự tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả của các địa phương trong cả nước, đặc biệt là TP Hà Nội, luôn dẫn đầu cả nước về triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, những năm qua, việc đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Riêng năm 2021, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được triển khai kịp thời, thường xuyên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sở Công Thương thành phố đã chủ trì, cùng các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thực thi pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Thành phố đã vận động các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình khuyến mại tri ân người tiêu dùng (40.000 chương trình với giá trị khuyến mại trên 20.000 tỷ đồng); tổ chức Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” thu hút gần 100 doanh nghiệp tham gia, 30.000 lượt người tiêu dùng tới tham quan, mua sắm; tổ chức 24 sự kiện kích cầu, khuyến mại lên tới 100% để tri ân người tiêu dùng…
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội, hội bảo vệ người tiêu dùng đã vào cuộc mạnh mẽ để phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tổng đài 024.1081 của thành phố và đường dây nóng của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường thành phố luôn là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô. Năm 2021, đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 20 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; tiếp nhận và giải đáp 9.178 cuộc gọi qua tổng đài 024.0181 về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của doanh nghiệp…
Cũng trong khuôn khổ chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 của thành phố, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” diễn ra từ ngày 11-15/3, với quy mô 120 gian hàng. Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín với nhiều chương trình tri ân như tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm… nhằm mang lại những trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm giao dịch, mua sắm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt 5 nhiệm vụ. Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kinh doanh trên môi trường mạng; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tri ân người tiêu dùng…
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, năm 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố, và chi tiêu của người dân.
Vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội, Bộ Công Thương liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật. Điều này nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia mua sắm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, và kinh doanh trên môi trường mạng đang phát triển rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại tri ân người tiêu dùng để thu hút nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm hơn nữa. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế năm 2022 của thành phố.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền đến cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm để hiểu rõ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết, xác nhận các hợp đồng mẫu liên quan đến các lĩnh vực tiêu dùng của người dân nhằm bảo đảm nhiều nhất quyền lợi của người tiêu dùng theo đúng các quy định của pháp luật.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2021 và trước bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước, khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới". Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường.
“Đây còn là sự kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một chính phủ kiến tạo, một môi trường kinh doanh - tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Bình luận