Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp hay còn gọi là M&A có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau hai năm diễn ra đại dịch covid 19, M&A là một trong các phương thức giúp doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, từ đó giảm thiểu nguy cơ thua lỗ, phá sản.
Ngoài ra, M&A cũng tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao kinh nghiệm về quản trị điều hành, quản lý và đặc biệt, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.
Năm 2021 là một năm rất sôi động của hoạt động M&A trên toàn cầu. Tính đến ngày 16 tháng 12 năm 2021, giá trị M&A toàn cầu đã tăng 63% lên 5.630 tỷ đô la Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 5.000 tỷ đô la Mỹ, và bỏ xa mức kỷ lục 4.420 tỷ đô la Mỹ được ghi nhận năm 2007 – thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Còn tại Việt Nam, bất chấp đại dịch, quy mô giá trị M&A tại Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ đô la Mỹ trong 10 tháng năm 2021, tăng 18% so với năm 2020.
Mặc dù phần lớn các thương vụ M&A đều mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, tuy nhiên, cũng có những vụ mua bán, sáp nhập ở mức đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp khác, hay còn gọi là tập trung kinh tế có thể làm thay đổi đáng kể cấu trúc thị trường của một hàng hóa, dịch vụ nhất định, dẫn đến hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc sự liên kết, thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ tác động hạn chế cạnh tranh, do đó cần phải được kiểm soát.
Theo quy định của pháp luật cạnh tranh hiện hành, các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.
Đối với cơ quan cạnh tranh, việc xem xét, thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế là một công cụ giúp sàng lọc những thương vụ tập trung kinh tế tiềm ẩn nguy cơ gây hạn chế cạnh tranh nhằm ngăn ngừa, kiểm soát. Đối với doanh nghiệp, đây là môt thủ tục hành chính bắt buộc phải thực hiện khi thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.
Tọa đàm “Thông báo tập trung kinh tế: Tuân thủ để cạnh tranh công bằng” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của Dự án “Hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực thực thi Luật Cạnh tranh” thuộc Dự án JICA Nhật Bản hứa hẹn ngoài cung cấp thông tin về bức tranh toàn cảnh M&A trên thế giới và tại Việt Nam, còn giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp như: Tại sao phải thông báo tập trung kinh tế?
Cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế của cơ quan cạnh tranh Việt Nam và nước ngoài ra sao, đặc biệt, đối với những giao dịch xuyên biên giới? Giải pháp nào giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế một cách hiệu quả?
Tọa đàm sẽ được phát sóng trên kênh VTC1 vào 9 giờ 15 phút ngày 18 tháng 3 năm 2022.
Kính mời quý khán giả đón xem!
Bình luận