• Zalo

Huawei đập tan tin đồn HarmonyOS NEXT 'chín ép', tuyên bố có 10.000 ứng dụng

Sản phẩmThứ Sáu, 27/09/2024 10:55:52 +07:00Google News
(VTC News) -

Trái với một số thông tin được đồn thổi gần đây, Huawei tuyên bố hệ điều hành HarmonyOS NEXT "thuần chủng" đã hỗ trợ 10.000 app.

Hôm 22/9, Nikkei đăng một bài nhận định, với ý kiến rằng Huawei đang quá vội vã trong việc ra mắt HarmonyOS NEXT. Bài báo nêu rõ, cảm tình của dư luận Trung Quốc đối với Huawei - ngọn cờ đầu của nền công nghệ - đang thúc ép các công ty Trung Quốc lớn khác phải vội vã ra mắt những phiên bản chưa hoàn thiện của các app phổ biến, đánh đổi trải nghiệm người dùng.

Dẫn chứng được đưa ra là: Sự vắng mặt của phần mềm chơi game, một phân khúc quan trọng trong thị trường ứng dụng di động; Một số ứng dụng được quảng cáo là đã sẵn sàng để tải xuống hóa ra vẫn đang trong giai đoạn demo, cung cấp chức năng hạn chế và trải nghiệm người dùng kém. Các ứng dụng nổi tiếng như Taobao, NetEase, iQIYI và Xiaohongshu nằm trong số những ứng dụng đã phát hành phiên bản chưa hoàn chỉnh.

Bằng việc "thoát ly" kernel Android và Linux, HarmonyOS NEXT sẽ không thể mở app APK. (Ảnh: Weibo)

Bằng việc "thoát ly" kernel Android và Linux, HarmonyOS NEXT sẽ không thể mở app APK. (Ảnh: Weibo)

Ngoài ra, theo phân tích riêng của Nikkei, trong số 28 ứng dụng phổ biến của Trung Quốc, chỉ có 3 ứng dụng hoàn tất quá trình tương thích đầy đủ cho HarmonyOS, trong khi 13 ứng dụng đã phát hành phiên bản demo cốt lõi và 10 ứng dụng vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. ByteDance, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đang tụt hậu đáng kể trong cuộc chuyển giao mới này, và chưa có thông báo chính thức nào về tiến độ.

Cuối cùng, tờ báo suy đoán rằng Huawei Mate 70, sản phẩm smartphone chủ lực của Huawei dự định sẽ được ra mắt cuối tháng này nhưng đã bị hoãn lại cho chậm tương thích.

Nikkei không dẫn nguồn thứ ba nào cho các số liệu trên.

Có một số vấn đề cần làm rõ hơn trong các dẫn chứng và tổng thể nhận định rằng Huawei đang "ép chín" HarmonyOS NEXT. Trước hết, cần hiểu rằng có một vài sự khác nhau căn bản giữa HarmonyOS và HarmonyOS NEXT, mà bài báo của Nikkei có vài đoạn sử dụng lập lờ thuật ngữ này, như khi dẫn chứng về số lượng app đã được hỗ trợ trên nền tảng.

HarmonyOS NEXT là gì?

HarmonyOS là hệ điều hành riêng của Huawei, được ra mắt từ năm 2019 đối với nhiều thiết bị thông minh như smart TV, smartwatch, PC... chứ không riêng smartphone. Phiên bản mới nhất của hệ điều hành này là HarmonyOS 4, ra mắt vào năm 2023. Để vận hành hệ sinh thái này, HarmonyOS được xây dựng trên kiến ​​trúc lai, nghĩa là nó có thể hoạt động trên nhiều nhân (kernel), tùy thuộc vào loại thiết bị.

Đối với smartphone, HarmonyOS dựa trên phiên bản đã sửa đổi của nhân Android (với nền Linux). Điều này cho phép tương thích với các ứng dụng Android và giúp chuyển đổi từ Android sang hệ sinh thái của Huawei. Đây là lý do đa số các app Android hiện vẫn chạy ổn định trên HarmonyOS, thông qua việc tải trên AppGallery của Huawei hoặc cài đặt APK.

Đối với các thiết bị khác, chẳng hạn như thiết bị IoT và TV, HarmonyOS sử dụng microkernel của Huawei. Microkernel này được thiết kế để truyền thông nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và bảo mật tốt hơn, đặc biệt là trong các tình huống đa thiết bị mà HarmonyOS hướng tới trở thành một nền tảng phổ quát.

HarmonyOS NEXT phiên bản public beta sẽ mở cửa vào 8/10. (Ảnh: Huawei)

HarmonyOS NEXT phiên bản public beta sẽ mở cửa vào 8/10. (Ảnh: Huawei)

Tuy nhiên, từ HarmonyOS NEXT hay phiên bản người dùng gọi là HarmonyOS 5.0, Huawei sẽ chính thức thanh lọc mọi yếu tố Android hay Linux, nói cách khác là mọi yếu tố Mỹ khỏi hệ sinh thái của mình, dựa hoàn toàn trên microkernel độc quyền họ tự phát triển.

Động thái này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Huawei nhằm tạo ra một môi trường phần mềm tự cung tự cấp có thể cạnh tranh trực tiếp với Android và iOS. Theo Chủ tịch mảng tiêu dùng của Huawei Richard Yu, cách tiếp cận từ gốc này được cho là mang lại hiệu suất tốt hơn 30% và mức tiêu thụ điện năng thấp hơn 20%.

Tất nhiên, bằng cách rời khỏi nhân Android và Linux, câu hỏi được quan tâm nhất là các app trước giờ vẫn tương thích cho HarmonyOS sẽ được chuyển nhà sang HarmonyOS NEXT thế nào. Để trấn an người tiêu dùng, trong một thông cáo báo chí mới đây, Huawei cho biết hiện có 10.000 ứng dụng được hỗ trợ trên nền tảng mới, đáp ứng "99,9% nhu cầu thời gian sử dụng của người tiêu dùng".

Cụ thể, thông báo cho hay tại HUAWEI CONNECT 2024, Zhu Yonggang, Chủ tịch Huawei Mobile Cloud, đã công bố rằng hơn 10.000 ứng dụng và siêu dịch vụ đã được ra mắt trên thị trường ứng dụng HarmonyOS NEXT, đáp ứng 99,9% thời gian sử dụng của người tiêu dùng.

Điều này khá trái ngược với dẫn chứng về khả năng tương thích yếu kém của HarmonyOS NEXT mà Nikkei đưa ra, nhưng vì sao có sự chênh lệch này? Trên thực tế, Huawei mới đây xác nhận rằng phiên bản public beta của HarmonyOS NEXT sẽ được mở cửa vào ngày 8/10 để đông đảo người dùng và nhà phát triển trải nghiệm. Từ khi trình làng vào tháng 6, hệ điều hành này mới chỉ ở phiên bản beta kín (closed beta), giới hạn cho một số ít các nhà lập trình và chuyên gia có đủ điều kiện.

Do đó, số liệu các app được hỗ trợ hạn chế như trên có thể gây hiểu nhầm. HarmonyOS NEXT vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm beta kín. Trong quá trình thử nghiệm beta kín, không phải tất cả các tính năng hoặc ứng dụng đều hoạt động đầy đủ và trọng tâm thường là thử nghiệm các chức năng cốt lõi với một bộ ứng dụng hạn chế, thay vì tập trung ngay cho trải nghiệm người dùng phổ thông.

Nhiều ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng của bên thứ ba, có thể chưa được tích hợp hoặc tối ưu hóa đầy đủ cho hệ điều hành mới, điều này có thể giải thích cho những phát hiện của Nikkei.

Tuyên bố của Huawei về việc có hơn 10.000 ứng dụng và dịch vụ trên HarmonyOS NEXT có thể ám chỉ đến tiềm năng chung của hệ điều hành khi nó đạt đến giai đoạn hoàn thiện hơn, chẳng hạn như bản public beta hoặc bản phát hành ổn định (bản chính thức).

Thông thường, chỉ một tập hợp nhỏ các tính năng và ứng dụng khả dụng trong giai đoạn đầu của quá trình thử nghiệm beta. Khi nhiều nhà phát triển hoàn thiện khả năng tương thích của ứng dụng và bản beta công khai được triển khai, khả năng hỗ trợ ứng dụng sẽ tăng đáng kể.

Vấn đề hỗ trợ ứng dụng gặp hạn chế trong giai đoạn thử nghiệm beta đã xảy ra với các hệ điều hành khác, chẳng hạn như Android và iOS. Trong quá trình thử nghiệm beta, một số ứng dụng thường gặp phải chức năng không đầy đủ hoặc có lỗi vì các nhà phát triển chưa tối ưu hóa hoàn toàn cho hệ thống mới.

Ví dụ, khi Android phát hành phiên bản beta 4 của Android 15, nó chủ yếu tập trung vào việc giải quyết lỗi và cải thiện tính ổn định của hệ thống. Tuy nhiên, một số ứng dụng có thể không hoạt động chính xác cho đến khi phát hành bản ổn định, khi các nhà phát triển có nhiều thời gian hơn để điều chỉnh ứng dụng của họ cho môi trường hệ điều hành mới.

Hoặc ví dụ, đây là một danh sách sơ bộ các ứng dụng và vấn đề có thể gặp phải đối với iOS 18 ở giai đoạn beta đầu, được đóng góp bởi cộng đồng Reddit.

Nói tóm lại, HarmonyOS NEXT mặc dù là một nước đi táo bạo của Huawei nhằm lập "thế chân kiềng" với iOS và Android, nhưng tình hình có thể sẽ không "thê thảm" như báo cáo của Nikkei, và phải chờ đến phiên bản public beta cũng như phiên bản chính thức, dự kiến cũng sẽ ra mắt trong quý 4 năm nay, để xem tuyên bố 10.000 app của Huawei chính xác đến đâu - hiện tại, mọi nhận định vẫn có vẻ là quá sớm.

Chiến lược tự chủ rộng lớn hơn

Một vấn đề quan trọng mà bài báo của Nikkei không nhắc tới, đó chính là động lực khiến cho Huawei - đầu tàu công nghệ Trung Quốc - quyết phải làm bằng được hệ điều hành riêng. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator Trung Quốc có chính sách hướng đến mục tiêu tự cung tự cấp về mặt công nghệ vào năm 2035. Mặc dù đã ít phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài hơn Đức, nhưng thâm hụt của Trung Quốc vẫn đặc biệt cao trong các lĩnh vực chiến lược, công nghệ cao.

Trụ sở Huawei ở Thâm Quyến. (Ảnh: GetConnected)

Trụ sở Huawei ở Thâm Quyến. (Ảnh: GetConnected)

Năm 2017, chính phủ nước này đã xác định được 35 điểm nghẽn, bao gồm máy quang khắc tiên tiến để sản xuất vi mạch. Bắc Kinh sẵn sàng chịu chi phí đáng kể để đổi mới, tự chủ công nghệ. Họ thúc đẩy hệ điều hành máy tính Kylin do Trung Quốc tự sản xuất, muốn thay thế tất cả máy tính của chính phủ bằng máy tính do trong nước sản xuất và có quỹ đầu tư cho chip và các công nghệ quan trọng khác.

Sự độc lập về công nghệ đã trở nên cấp thiết đối với Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây thể hiện sự thống nhất trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Mỹ và EU đang phát triển các công cụ mới để hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, liên quan đến các mặt hàng như chất bán dẫn và máy móc tiên tiến cho phép Trung Quốc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình.

Động lực tự cung tự cấp của Trung Quốc, cả về phần mềm và trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, dường như chắc chắn sẽ tăng tốc, đặc biệt là khi các vòng hạn chế xuất khẩu mới có khả năng sẽ áp dụng thêm đối với công nghệ lượng tử, công nghệ xanh và công nghệ sinh học.

Bình luận
vtcnews.vn