• Zalo

Thủ tướng: Doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu phòng chống tham nhũng

Kinh tếThứ Hai, 23/12/2019 20:02:45 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Thủ tướng, doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

Sau gần 5 giờ đồng hồ lắng nghe, trao đổi với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó có cả những ý kiến “trái chiều, nghịch nhĩ”. 

"Khế ước" giữa doanh nghiệp và bộ, ngành

Khẳng định quan điểm thấu hiểu và lắng nghe đối với doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, chính nhờ điều này mà môi trường cạnh tranh kinh doanh được cải thiện đáng kể. Đến nay, Việt Nam có hơn 800.000 doanh nghiệp; bình quân mỗi năm có thêm 17% doanh nghiệp thành lập mới.

Thủ tướng: Doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu phòng chống tham nhũng - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)

Sự lớn mạnh này theo Thủ tướng là rất đáng mừng. Tuy nhiên, so với nhiều nước phát triển, tỉ lệ doanh nghiệp trên quy mô dân số của Việt Nam vẫn còn thấp (1/120 người dân, so với tỷ lệ 1/90 người dân của các nước ASEAN và 1/10 người dân ở các nước phát triển).

"Chúng ta mới có 7 doanh nghiệp nằm trong Top 200 doanh nghiệp tốt nhất châu Á với doanh thu dưới 1 tỷ USD. Đến nay, chúng ta chưa có doanh nghiệp nào vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết đối với doanh nghiệp: “Cái mà quý vị nói rất nhiều là sự đơn lẻ của từng doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết hợp lực lại, đoàn kết lại thì kết quả sẽ khác”.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết, tương tác và chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn. Ông tin tưởng trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn ra đời tại Việt Nam. 

Theo Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động đổi mới chính mình. Phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết bài toán sản xuất, tận dụng cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

Thủ tướng hôm nay đích thân mời cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực về môi trường và văn hóa kinh doanh. Các quy định này cũng được xem là khế ước cam kết hành động có trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành”, Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp; sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế để bảo vệ quyền này, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.

Thủ tướng: Doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu phòng chống tham nhũng - 2

Các thành viên Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. 

Chúng ta cần ý thức rằng để một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà là thất bại của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.

"Cởi trói" để doanh nghiệp bứt phá

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hôm nay (23/12), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới để xử lý những bất cập, tồn tại, đề ra giải pháp.

Thủ tướng nhắc lại thông điệp: Trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. Không thể có chuyện biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết. Đây là căn bệnh thờ ơ đối với công cuộc phát triển.

Do đó, mỗi bộ, ngành phải khẩn trương xây dựng chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2020, tầm nhìn 2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm đầu mối đốc thúc, cập nhật, tổng hợp gửi báo cáo Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh những việc mà Hội nghị nêu ra như phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực, cùng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, xây dựng trung tâm triển lãm sản phẩm ở các thành phố, thị xã lớn.

Nhấn mạnh việc thay đổi tư duy, Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá, làm được nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước; để doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách. Chỉ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước mới phải tiếp tục nắm.

Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy, không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Những quan điểm mới này tôi xin đề nghị các địa phương, các ngành quán triệt để triển khai”, Thủ tướng nêu rõ. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quyết tâm chấm dứt tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng. Phải bảo đảm rằng mọi ý kiến của doanh nghiệp đều được lắng nghe và tôn trọng; còn việc tiếp thu hay không thì phải thảo luận, phân tích, phản biện để đi đến chính sách tốt nhất.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng, tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém, gây mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn