Chia sẻ với báo chí trước khi diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay 23/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian qua có nhiều điểm sáng ấn tượng, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ.
Trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn như Sungroup, FLC, Vingroup, Trường Hải, Vietjet... tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao.
“Với thông điệp Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tự do kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua đã phát triển rất nhanh và mạnh”, ông Thắng cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hội nghị năm nay là sự kiện hết sức quan trọng, có sự tham dự của đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các ngành nghề, các địa phương.
Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính phủ và các bộ ngành cũng sẽ có các cam kết tháo gỡ vướng mắc môi trường đầu tư kinh doanh các năm tới.
“Doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm chính về sự phát triển của mình, còn nhà nước, Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự lực phát triển với sự hỗ trợ của nhà nước”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết hời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục lập kỷ lục mới. Trung bình từ 2016-2019, mỗi năm có khoảng 120.000 doanh nghiệp thành lập mới, so với mức 70.000-80.000 doanh nghiệp mỗi năm trước đây.
Riêng năm 2019, tính đến tháng 11 đã có 127.000 doanh nghiệp thành lập mới với 1,5 triệu tỷ đồng vốn, đây là con số rất ấn tượng. Dự tính cả năm nay sẽ có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Đặc biệt, có tới gần 40.000 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức là nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới. Và đây là nguồn vốn thật, là nguồn lực khổng lồ, đến từ các doanh nghiệp đang kinh doanh, đang chứng kiến sự cải thiện môi trường kinh doanh.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể trong 11 tháng qua là khoảng 80.000, tương đương khoảng 49% so với so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Đây là tình trạng không mong muốn, nhưng so sánh với các nước thì đây cũng không phải là hiện tượng bất thường.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; môi trường kinh doanh còn khó khăn; quá trình tự thanh lọc, các doanh nghiệp yếu rút đi nhường chỗ cho các doanh nghiệp có ý tưởng mới; và quá trình các cơ quan nhà nước rà soát các doanh nghiệp ngừng hoạt động từ lâu trên thực tế để thu hồi đăng ký kinh doanh.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, các hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức đã mang lại nhiều tín hiệu rất tích cực. Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại lần thứ nhất với doanh nghiệp ngay khi vừa nhậm chức và sau đó, Chính phủ lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Tới năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, chúng ta cũng hướng tới những mục tiêu như phát triển doanh nghiệp bền vững, dài hạn hơn, Thủ tướng tiếp tục chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ hai và sau đó, ban hành Chỉ thị tiếp tục triển khai Nghị quyết 35.
Năm 2018, Thủ tướng cũng chủ trì các hội nghị chuyên đề, như hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một lĩnh vực lợi thế lớn của Việt Nam.
Năm nay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và với những biến đổi sâu sắc về công nghệ, mục tiêu đặt ra là làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam liên kết phát triển bền vững. Chúng ta cũng đang chuẩn bị kết thúc năm 2019 và chuyển sang giai đoạn phát triển mới, thông điệp của Hội nghị là khẳng định vai trò, đóng góp của doanh nghiệp với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp hội nhập, hiệu quả, bền vững” do Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức diễn ra sáng nay 23/12 tại Hà Nội.
Hội nghị sẽ đối thoại giữa các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng với các cộng đồng doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường đầu kinh doanh an toàn và thuận lợi, các chính sách, chương trình, hành động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đồng thời, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng có không ít rủi ro và thách thức. Bên cạnh đó những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.
Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa.
"Thông qua hội nghị, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, cùng nhau tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường", Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh.
Bình luận