Theo quy định của Bộ GD&ĐT, bộ sách lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có 8 cuốn bắt buộc và một cuốn tự chọn. Đó là: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.
Giá sách giáo khoa mới được niêm yết khoảng 179.000 đến 199.000 đồng/bộ. Tuy nhiên nhiều phụ huynh đang phải bỏ ra số tiền gấp 3- 4 lần để có sách cho con học tập.
"Ép" mua hơn 20 cuốn?
Một phụ huynh tại trường Tiểu học Tây Sơn (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh với báo chí, họ phải bỏ ra số tiền lớn để mua sách vở, đồ dùng học tập. Điều đáng nói là nhà trường và đơn vị phát hành không thông báo, giải thích rõ ràng với phụ huynh đâu là sách giáo khoa (bắt buộc phải mua) và đâu là sách bổ trợ, tham khảo (không bắt buộc).
Kết quả, phụ huynh phải mua cả "combo" sách và đồ dùng lớp 1 do Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội phát hành, với 19 cuốn, có giá là 305.500 đồng. Cộng thêm bộ hình khối môn Toán, bộ đồ dùng Toán - Tiếng Việt cũng của công ty của Công ty cổ phần thương mại EPE với giá vài trăm nghìn đồng nữa.
Một phụ huynh có con vào học lớp 1 trường Tiểu học An Phong, Quận 8, TP.HCM mới đây phản ánh, từ giữa tháng 7, trường mầm non nơi con chị theo học làm hồ sơ cho trẻ vào lớp 1 (nhà trường làm hộ cho nhiều phụ huynh) báo với chị tiền mua sách là 807.000 đồng.
Chị ngỡ ngàng khi được cầm danh sách với 25 hạng mục bao gồm sách giáo khoa, vở bài tập, sách tiếng Anh của các bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống (tùy môn). Ngoài ra, có sách bổ trợ, tập, bảng viết, tổng 807.000 đồng. Trong đó, đắt nhất là sách tiếng Anh I-Learn Smart Start có giá 146.000 đồng/cuốn, bộ sách thực hành Toán, Tiếng Việt 1 có giá 173.400 đồng.
Liên quan vấn đề này, trả lời VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong nhìn nhận trường đã sai khi thông báo không rõ ràng, phân định sách bắt buộc với sách tham khảo, nên gây hiểu lầm.
Năm nay trường tuyển hơn 280 học sinh lớp 1. Khi phát hồ sơ nhập học hồi tháng 7, trường in danh mục 9 sách giáo khoa bắt buộc, gồm một cuốn tiếng Anh để phụ huynh tự đi mua.
Ngoài ra, trên bảng thông báo của trường có danh mục 25 sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dụng học tập. Mục đích nhằm giúp phụ huynh có thể lựa chọn để bổ trợ cho con mình. "Chúng tôi không ép buộc phụ huynh phải mua sách ở trường hay phải mua đủ số sách này. Phụ huynh nào không có điều kiện tự đi mua thì đăng ký ở thư viện trường, chúng tôi mua giúp theo đúng giá niêm yết", ông Phong nói.
Giới chức TP.HCM cũng đã vào cuộc yêu cầu các trường chấn chỉnh tình trạng trên.
Trường Tiểu học Lê Thế Long (Thanh Hóa) yêu cầu phụ huynh phải đóng hơn 700.000 đồng để mua sách vở và đồ dùng học tập. Năm học này trường chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều, đi kèm là bộ thực hành Toán - Tiếng Việt và bộ hình khối môn Toán.
Đến khi nhận sách, phụ huynh không biết đâu là sách giáo khoa, đâu là sách bổ trợ vì sách lớp 1 được bán theo bộ. Năm đầu tiên đổi sách, nhà trường yêu cầu mua 100% nên tất cả phụ huynh đều bắt buộc đóng tiền rồi nhận sách.
Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm 2020-2021 rất lo lắng khi lương tháng chỉ được từ 3 đến 4 triệu đồng, chi tiêu gia đình còn khó khăn, giờ thêm gánh nặng tiền sách giáo khoa lên tới cả gần triệu đồng đầu năm học
Không được ép mua sách tham khảo
Theo kết quả lựa chọn sách giáo khoa mới năm học 2020-2021 trên địa bàn TP.HCM, bộ sách “Chân trời sáng tạo” (1 trong 5 bộ sách khoa mới) được 80% các trường lựa chọn (không đều ở các môn, môn tiếng Anh hơn 60%). Đây cũng là bộ sách được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn.
Ngoài ra một số trường chọn bộ Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Số tiền mà phụ huynh phải bỏ ra mua sách cho con dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/bộ, trong khi giá niêm yết của các bộ sách giáo khoa mà nhà xuất bản công khai cao nhất chưa đến 200.000 đồng/bộ.
Để xảy ra tình trạng này là do các phụ huynh đang phải mua thêm quá nhiều sách tham khảo, sách bổ trợ được bán kèm với sách giáo khoa.
Trước những thông tin trên, ngày 4/9 Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ trường tiểu học.
Trong đó quy định rõ, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 1 môn học tự chọn là môn Tiếng Anh.
Tháng 3/2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kê khai giá sách giáo khoa và công bố giá các bộ sách giáo khoa như sau:
- Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: 179.000 đồng.
- Bộ Chân trời sáng tạo: 186.000 đồng.
- Bộ Cùng học để phát triển năng lực: 194.000 đồng.
- Bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục: 189.000 đồng.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM kê khai bộ sách "Cánh diều" giá 215.000 đồng. Ngày 23/3, các đơn vị này cho biết, đã điều chỉnh giá bán bộ “Cánh diều” xuống còn 199.000 đồng.
Ngoài sách giáo khoa môn học bắt buộc, các Nhà xuất bản cũng kê khai giá sách giáo khoa tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình giáo dục phổ thông mới có giá từ 45.000 đến 99.000 đồng/cuốn.
Bình luận