• Zalo

Dư luận phản ánh có hiện tượng chạy chọt 'cửa sau' khi lựa chọn sách giáo khoa

Diễn đànThứ Bảy, 13/06/2020 12:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu nêu, dư luận phản ánh hiện tượng chạy chọt “cửa sau” trong lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh kiểm tra hiện tượng này.

Chạy chọt trong biên soạn SGK

Phát biểu tại buổi thảo luận tại Hội trường về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 sáng 13/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng cho biết, Bộ GD&ĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc liên quan đến chương trình sách giáo khoa mới.

Dư luận phản ánh có hiện tượng chạy chọt 'cửa sau' khi lựa chọn sách giáo khoa - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc hội)

Cụ thể, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, Bộ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

“Việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ bằng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này, vừa không cần thiết vừa khó bảo đảm chất lượng, đồng thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ.

Nghị quyết 88 cũng trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020 hướng dẫn thực hiện quy định này.

“Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục trên thực chất nhiều địa phương quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. Dư luận phản ánh một số hiện tượng chạy chọt “cửa sau” trong lựa chọn sách giáo khoa mới. Bộ GD&ĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

Để thực hiện thành công việc đổi mới chương trình giáo dục sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT cùng các bộ hữu quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường vai trò quản lý điều tiết của Nhà nước, chính là điều kiện để việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phát triển đúng hướng, ngày càng có chất lượng và hiệu quả.

Xây dựng cơ chế giá 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn Vĩnh Long cho biết, hiện nay có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 các môn học và 7 sách giáo khoa các môn tự chọn, đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện cho năm học 2020-2021. Đây cũng là một thành công bước đầu trong việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Dư luận phản ánh có hiện tượng chạy chọt 'cửa sau' khi lựa chọn sách giáo khoa - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn Vĩnh Long. (Ảnh: Quốc hội)

“Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT trong thời gian tới cần phải tăng cường các biện pháp để đảm bảo chất lượng thông qua Hội đồng thẩm định về nguồn lực, nhân lực để thẩm định sách giáo khoa có chất lượng một cách công khai, minh bạch” đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng và tính đến cơ chế về giá, vì hiện nay theo chương trình sách giáo khoa mới, giá sách giáo khoa sẽ do nhà xuất bản định giá và báo cáo về Bộ Tài chính.

“Bộ GD&ĐT cũng như Chính phủ cần có biện pháp để quản lý tốt hơn, làm sao cho tất cả các em học sinh đều có cơ hội được tiếp cận với bộ sách giáo khoa tốt nhất, đồng thời cũng chỉ đạo về cung cấp, hỗ trợ sách giáo khoa cho các trường học, thư viện vùng khó khăn cũng như hỗ trợ sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nói.

Vân Anh/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn