• Zalo

Học online nhàm chán, học sinh ngủ gật: Giáo viên cần làm gì?

Diễn đànThứ Ba, 14/09/2021 07:00:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Đa phần giáo viên dạy trực tuyến đang thuyết giảng nhiều còn học sinh thì thụ động, dẫn đến hạn chế tương tác hai chiều giữa thầy và trò.

Để giải quyết những bất cập trên, đòi hỏi giáo viên phải xác định phương pháp dạy học online chủ đạo. Theo tôi, giáo viên nên sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, cần hạn chế tối đa phương pháp truyền giảng. Thảo luận nhóm là quá trình bàn bạc, trao đổi giữa các thành viên trong nhóm về một vấn đề cụ thể, nhằm thu thập những ý kiến trên cơ sở tìm hiểu, đánh giá, phân tích và xử lý vấn đề đã đưa ra. 

Lợi ích của phương pháp thảo luận nhóm: Các thành viên được tranh luận tích cực, tương tác cùng nhau. Các bạn trong nhóm giúp đỡ lẫn nhau, biết lắng nghe ý kiến đóng góp và biết cách tiếp thu. Phương pháp thảo luận còn giúp học sinh chủ động và tích cực sáng tạo hơn trong học tập. Muốn vậy, các thành viên trong nhóm cần có tinh thần tham gia làm việc nhóm đồng đều, có kỷ luật học tập.

Khi triển khai dạy học online bằng phương pháp thảo luận nhóm, giáo viên cần lưu ý đến quy trình sau đây:

Lựa chọn vấn đề thảo luận 

Một tiết học thường nhiều nội dung, giáo viên cần lựa chọn vấn đề trọng tâm, tập trung vào câu hỏi chủ chốt. Câu hỏi thảo luận tránh gây nhàm chán những cũng đừng nên quá khó, không phù hợp với hình thức học online. Ví dụ, với môn Ngữ văn, giáo viên có thể yêu cầu học sinh thảo luận nội dung, nghệ thuật của một đoạn thơ hay đoạn trích văn xuôi là phù hợp.

Giáo viên cần lựa chọn nội dung thảo luận hấp dẫn, dễ chia sẻ, phù hợp với trình độ chung của học sinh. Câu hỏi thảo luận phải là vấn đề mở thì mới có thể phát huy khả năng sáng tạo, kích thích sự tò mò và tinh thần làm việc tích cực của người học. Giáo viên cần quy định thời gian cụ thể cho từng câu hỏi thảo luận. Chẳng hạn, tiết học online 45 phút, học sinh cần khoảng 10 - 15 phút chuẩn bị để vấn đề thảo luận đi vào chiều sâu.

Học online nhàm chán, học sinh ngủ gật: Giáo viên cần làm gì? - 1

Học sinh học online. (Ảnh minh hoạ)

Chia nhóm online

Nhóm học tập rất cần thiết trong dạy học online. Khi học theo nhóm, học sinh được chia sẻ ý kiến cho nhau, cùng hỗ trợ giúp đỡ nhau tiến bộ. Giáo viên có thể chia nhóm ngẫu nhiên, chia theo danh sách lớp, chia theo năng lực, giới tính… Nhưng cần phân chia các nhóm tương đương nhau về số lượng, năng lực. Kinh nghiệm cho thấy, chia nhóm tối ưu (khoảng 5 học sinh một nhóm là tốt nhất) giúp các em có thể trao đổi, thảo luận và quán xuyến công việc của nhau trong quá trình học tập online.

Giáo viên rải đều học sinh học lực khá, giỏi cho các nhóm để giải quyết những nội dung khó. Chú ý phân công nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm trưởng. Nhóm trưởng điều hành thành viên thảo luận và chịu trách nhiệm chính trước giáo viên bộ môn. Giáo viên nên luân phiên chỉ định nhóm trưởng và thành viên trong nhóm báo cáo kết quả hoạt động nhóm một cách linh hoạt nhằm tạo sự sinh động cho lớp học online.

Điều hành thảo luận

Giáo viên gọi nhóm thứ nhất trình bày vấn đề. Để tránh nhàm chán, các thành viên nhóm chia nhau trình bày từng nội dung hay luận điểm. Tiếp đến, giáo viên cho các nhóm khác nhận xét về ưu khuyết của nhóm vừa trình bày. Giáo viên có thể nêu một số câu hỏi gợi mở giúp các nhóm khác phản biện được tốt. Trong quá trình tranh luận, khó tránh khỏi những phản ứng gay gắt, thậm chí sai lạc vấn đề, giáo viên cần điều chỉnh kịp thời, hợp tình hợp lý.

Sau khi các nhóm thảo luận xong, giáo viên yêu cầu nhóm trưởng nói về những thuận lợi, khó khăn của nhóm mình trong quá trình học online để được giúp đỡ. Các nhóm có thể chấm điểm chéo cho nhau dựa trên thang điểm giáo viên đã đưa ra trước đó. Dĩ nhiên, cách chấm điểm này chỉ có giá trị tham khảo, nhằm tạo tính khách quan, tiếng nói người học được lắng nghe, còn giáo viên là người quyết định điểm số sau khi tổng kết.

Tổng kết, đánh giá

Giáo viên là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong khâu tổng kết hoạt động thảo luận nhóm. Trong quá trình đánh giá, giáo viên cần nêu bật những ưu, khuyết của từng nhóm nhằm giúp học sinh khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh cho những tiết học sau. Muốn vậy, giáo viên phải đánh giá chuẩn xác nội dung được đưa ra thảo luận theo từng tiêu chí cụ thể. Việc đánh giá phải công tâm, khách quan nhằm tạo niềm tin, sự công bằng trong học tập.

Giáo viên cần khích lệ kết quả học sinh đạt được cho dù còn khiêm tốn, vì hình thức học online còn đó những khó khăn và bất cập nhất định. Giáo viên cũng có thể cho điểm khuyến khích (điểm cộng) với những nhóm có ý thức, thái độ làm việc tốt hoặc những ý kiến phản biện hay sáng tạo. Cuối cùng, giáo viên chốt lại nội dung bài học, hướng dẫn học sinh ghi chép và chuẩn bị bài cho tiết học online buổi sau.

Phan Thế Hoài
Bình luận
vtcnews.vn