Hai con lớp 3 và lớp 9 học online cùng lúc, chị Trần Tố Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn quay như chong chóng mỗi ngày. Cậu con trai lớp 9 đã thành thạo với học online nên không cần hỗ trợ nhiều về công nghệ, nhưng từ những tiết đầu tiên đến nay mạng internet của cả cô và trò bị lỗi liên tục. Nhiều khi cô loay hoay không vào lớp được, học trò sốt ruột "đợi tin cô", có hôm đang học lại có bạn bị "đẩy văng" khỏi zoom, con tỏ thái độ khó chịu vì bị gián đoạn bài học.
Điều khiến chị lo nhất với cậu lớn là năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10. Nếu học online kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kết quả học và kiến thức con tiếp thu không đủ tham gia kỳ thi. Do đó, ngoài giờ học, chị thường xuyên tương tác với các thầy cô giáo ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh để hỏi tình hình học tập, xin thêm bài tập cho con ôn luyện thêm mỗi ngày.
Đặc biệt, chị Thanh còn mạnh tay chi tiền, đăng ký lớp học thêm online một thầy, một trò, 6 buổi tối/tuần để con thêm kiến thức, không bị thua kém bạn bè trong cuộc đua vào lớp 10.
"Nhiều khi thấy con uể oải không có tinh thần học, dù rất thương nhưng tôi vẫn nghiêm khắc đốc thúc con ngồi vào bàn học nghiêm túc. Cơ hội vào lớp 10 trường công lập top đầu chỉ có một, hôm nay vất vả nhưng ngày sau con sẽ dễ thành công hơn", chị Thanh chia sẻ.
Với cô con gái lớp 3, dù không đăng ký cho con học thêm nhưng hàng ngày chị vẫn thường xuyên giao thêm bài tập Toán và tập viết để con tự rèn luyện. Chị lo lắng, học online 2 tiếng với cô giáo là chưa đủ, bởi vì lớp học thường xuyên bị gián đoạn do nghẽn đường truyền mạnh, học sinh ồn ào, các con mất tập trung chất lượng học khó đảm bảo.
"Các con chưa phải chạy đua vào trường top nhưng tôi muốn tạo cho con thói quen học tập nghiêm túc, chăm chỉ dù học trực tiếp ở lớp hay học online ở nhà", vị phụ huynh này chia sẻ.
Kỳ vọng quá lớn
Cô Nguyễn Hoàng Hà, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, câu chuyện phụ huynh "phát điên", học sinh khóc mếu mỗi khi học trực tuyến không hiếm gặp. Nhiều phụ huynh tâm sự với cô rằng nếu con đi học trực tiếp ở trường thì bố mẹ đỡ áp lực. Họ áp lực về điểm số, chất lượng, lo sợ con bị hổng kiến thức, không thể hoàn thành được mục tiêu thi vượt cấp.
Ngay khi vừa bước vào tuần đầu của năm học, nhiều gia đình vội vàng xếp lịch học thêm online cho con kín mít, đặc biệt là những gia đình có con học cuối cấp lớp 9, 12. Tuy chất lượng không thể bằng dạy trực tiếp nhưng phụ huynh vẫn tự an ủi, thà học còn hơn để con chơi dài, hổng kiến thức.
"Một người bạn của tôi có con học lớp 9, gia đình cho bé học online 6 buổi tối/tuần với ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Chị ấy rất lo lắng vì năm tới thi tuyển vào lớp 10 sợ cháu sẽ không bằng bạn bè, mất căn bản.
Hay nhiều khi, tôi nghe thấy hàng xóm quanh nhà la mắng, thậm chí chửi, đánh con vì hướng dẫn mãi mà không hiểu, không biết làm bài. Cũng chỉ vì không có kỹ năng sư phạm, không biết cách dạy nên ba mẹ bực mình nói mãi, giảng mãi không xong lại trút giận lên đầu trẻ. Thấy bố mẹ cáu bực, to tiếng, con càng khóc và sợ", cô Hà kể lại.
Phụ huynh đặt kỳ vọng vào con là điều chính đáng nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, không nên tạo áp lực và đòi hỏi nhiều ở học online. Khi người lớn căng thẳng, vô tình sẽ tạo áp lực và truyền năng lượng không tích cực sang con.
Chỉ vì bố mẹ đốc thúc, sát sao nên các con phải nghe lời. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cảnh tượng con vừa khóc mếu vừa ngồi học hay viện lý do để chán học, trốn học.
Giảm căng thẳng cho con
TS Lê Minh Công, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, trẻ em, nhất là lứa tuổi tiểu học, cần phải vận động và học tập thông qua các hoạt động trên lớp để có thể tiếp nhận kiến thức và kỹ năng tốt nhất. Nhờ các hoạt động đó trẻ mới hình thành thái độ, cảm xúc, phát triển nhân cách.
Việc học trực tuyến dài ngày có thể dẫn tới nhiều khó khăn với trẻ như thay đổi thói quen sống và sau này khó thích ứng trở lại. Trẻ có thể gia tăng những cảm xúc tiêu cực do tiếp xúc với màn hình máy tính quá lâu, gia tăng sự khó khăn trong kết nối xã hội với thầy cô, bạn bè.
Nếu tình trạng này diễn ra lâu có thể ảnh hưởng tới các vấn đề khác như lo âu, trầm cảm hay xuất hiện các biểu hiện rối loạn hành vi như các em tỏ vẻ mệt mỏi hơn, cảm thấy không linh hoạt.
Do đó, trong giờ học, phụ huynh không nên to tiếng, quát mắng, hay đặt mục tiêu quá cao cho con khi đang trong thời điểm chưa thể tới trường. Ngoài giờ học, phụ huynh nên chú ý giới hạn thời gian con ngồi trước màn hình máy tính, ti vi nhằm giảm được việc tiếp xúc với màn hình càng nhiều càng tốt.
Các gia đình nên cùng con lên kế hoạch và lịch biểu một cách khoa học, xen kẽ giữa học tập và hoạt động vận động thể chất, tham gia các hoạt động cùng nhau. Điều đó không chỉ giúp con nghỉ ngơi sau quá trình ngồi học mà còn tăng các kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giảm bớt áp lực tâm lý cho cả bố mẹ và con cái.
Bình luận