Hoài niệm Tết xưa: Nhà có hoa khôi, trai làng đua nhau trổ tài trước ngõ

Ý kiếnThứ Hai, 08/02/2021 06:54:00 +07:00
(VTC News) -

Chị cả tôi mang tiếng hoa khôi của làng nên Tết ấy, các chàng thi nhau đến ngõ thể hiện, đua tài; cuối năm chị đi lấy chồng, chẳng bén duyên ai trong số họ.

Tháng Giêng về! Bẵng đi sau giấc ngủ dài, chồi biếc chợt bừng tỉnh nhú lên khỏi thân cành khẳng khiu. Mầm xanh mơn mởn thế dần sự cằn cỗi, xác xơ của mùa đông giá.

Tiết trời ấm lên. Tia nắng lung linh xuyên qua từng kẽ lá. Gió hiu hiu nhè nhẹ làm nhánh lộc mới khẽ rung lên. Thi thoảng ngọn xuân phong mang theo làn mưa bụi tinh khôi, huyền ảo phủ lên mặt địa cầu.

Trời đất thay áo mới, lòng người rộn tiếng vui ca. Đâu đây líu lo tiếng chim ríu rít ca lên cung điệu xốn xang. Nhìn cánh én liệng bay cuối trời, lòng mình bất chợt rộn lên. Nàng xuân như e ấp thổi luồng khí mới vào tâm hồn mỗi người. Lắng nghe trong khúc nhạc xanh từng nụ cười, ánh mắt, cử chỉ ngập niềm vui.

Dòng ký ức như xoay ngược trở về hai mươi năm trước. Kỷ niệm tuổi thơ của những ngày “vui như Tết” hiện về mồn một. Bâng khuâng, bồi hồi, xúc động một nỗi niềm khó tả. Tất cả hòa quyện, đan xen đang trào dâng trong tâm tưởng hồn tôi.

Hoài niệm Tết xưa: Nhà có hoa khôi, trai làng đua nhau trổ tài trước ngõ - 1

 

Thuở ấy, tôi nhớ nhất những ngày cuối năm lẽo đẽo theo mẹ đi chợ quê. Làm sao tôi quên được xe hàng Tết đầy ắp mà mẹ cố sức đẩy qua cái dốc trên cầu làng Vạn. Trời mùa xuân mà vầng trán mẹ lấm tấm mồ hôi. Sao thương mẹ đến thế!

Phiên chợ Tết nên góc nào cũng đông vui, náo nhiệt. Tiếng í ới xen lẫn tiếng trao đổi, chào mời huyên náo xóm chợ nhỏ.

Chọn cho mình một góc khuất nơi mẹ vẫn hay ngồi, tôi ngắm nghía mơ màng xa xăm. Nơi đó là những quầy hàng tạp hóa với bao món đồ Tết hấp dẫn. Ngắm chán lại quay sang cô bé đang trông hộ hàng cho mẹ kề bên. Cô bé trạc tuổi tôi nhoẻn miệng cười bẽn lẽn. Đôi má lúm đồng tiền thẹn thùng ửng hồng trong nắng xuân vừa lên.

Cuối phiên chợ là lỉnh kỉnh bao nhiêu vật dụng. Thôi thì đủ loại, “gi gỉ gì gi cái gì cũng có”, từ bánh kẹo, mứt, hoa cúc, hương trầm, lá dong, thêm ít lạt giang đến cả đôi câu đối. Cái thằng tôi cũng thủng thẳng trở về, lòng đầy sung sướng với bộ quần áo mới tinh ăn diện ba ngày Tết.

Chờ mãi, chờ mãi, thời khắc thiêng liêng nhất cũng đã đến. Đêm giao thừa, bên ánh lửa bập bùng khi mờ khi tỏ, cả nhà thức vây quanh nồi bánh chưng. Hương vị đồng quê lan tỏa khắp chái bếp nhỏ xinh. Trời đã khuya, hai mí mắt tôi ríu lại trĩu nặng. Trước khi gục đầu vào lòng mẹ, vẫn không quên dặn dò: “Mẹ nhớ thức con dậy để lắng nghe tiếng pháo đấy”.

Ừ, tiếng đì đùng pháo xuân. Chao ôi, sao nhiều kỷ niệm buồn vui liên quan đến nó thế? Có năm nhà tôi “được mùa” pháo. Số là chị cả tôi mang tiếng hoa khôi của làng, mấy anh chàng xóm trên thi nhau đưa pháo tự chế đến so tài. Những tràng pháo gộp lại dài mấy sải tay thay nhau nổ râm ran đêm xuân. Cuối năm, chị tôi đi lấy chồng. Nhóm “rể hụt” trong làng chẳng bén duyên ai. 

Có cái Tết, thằng bạn nhà bên chơi pháo suýt nữa sém hết ngón tay. Pháo vui thì thật vui, nhưng cũng nhiều nguy hiểm, sau này Nhà nước cấm pháo nổ, bao nhiêu người lớn trong làng cũng thở phào.

Hoài niệm Tết xưa: Nhà có hoa khôi, trai làng đua nhau trổ tài trước ngõ - 2

 

Lại nhớ sáng tinh sương mồng một năm kia, hai anh em rủ nhau chạy sang nhà o ruột nhặt lấy những quả pháo thừa còn sót qua đêm. Chiều chiều, qua chúc Tết, o mắng yêu: “Mấy thằng quỷ, đầu năm chưa mở mắt đã sang đập đất nhà o bay rồi”.

Tuổi thơ trong trắng, tôi nào hiểu tục lệ “đập đất” (xông đất) là gì đâu. Không biết năm đó chúng tôi có là sứ giả may mắn cho nhà o tôi không?

Rồi những năm có thêm tí tuổi, tôi tập tành theo người để gói bánh chưng. Khổ nỗi, vì học theo nên tôi đã không quay mặt trong lá dong ra ngoài. Ngày đầu năm cắt bánh chỉ độc một màu trắng của hạt nếp chín thay cho màu xanh mượt. Cả nhà phá lên cười như nắc nẻ...

Mới đó đã hơn hai chục năm trời. Nghĩ lại ngày xuân cũ, không có ớt mà sống mũi bất giác chợt cay cay. Một cái Tết nữa đang về. Giữa dòng đời tấp nập ngược xuôi, thôn xóm đã bắt đầu hương sắc xuân. Lòng nhủ lòng, bất chợt hỏi thầm: Thời gian ơi, có bao giờ trở lại, đưa tôi về một thoáng giêng xưa?

Trần Đức Hà
Bình luận
vtcnews.vn