Tết trong ký ức của tôi bắt đầu từ thời điểm giao thừa, khi cả nhà đã thu dọn xong, mẹ đun nồi nước lá mùi thơm ngào ngạt cho cả nhà tắm gội tươm tất, và là khi bố mẹ đã sắp sửa xong ban thờ gia tiên và mâm cúng ngoài sân.
Ở miền Bắc, không phải địa phương nào cũng có tập tục cúng ngoài sân như thế. Nhưng ở Nam Định quê tôi, lúc 12h đêm giao thừa, gần như tất cả các gia đình, trừ gia đình theo đạo Thiên chúa, đều bày ra sân mâm đồ ngọt nho nhỏ để cúng tạ ơn đất trời và cầu mong một năm mới bình an.
Thời ấy, khi Nhà nước chưa có lệnh cấm đốt pháo nổ, khi đồng đồ điểm 12h, cả bầu trời như reo lên trong tiếng pháo nổ đì đùng. Khi bố châm lửa đốt pháo, chị em tôi háo hức đứng xem, cười khanh khách vui sướng khi nhìn thấy ánh sáng xì xoẹt ở đầu bánh pháo và nhanh tay bịt lấy lỗ tai, để he hé đủ để nghe tiếng pháo giòn giã nổ.
Đúng lúc ấy, mẹ tôi cũng bắt đầu lầm rầm khấn vái. Hết bánh pháo, chị em tôi cùng chắp tay đứng đằng sau bố mẹ, vừa nghe và bắt chước theo những lời khấn của mẹ, vừa hít hà mùi pháo tan trong cái lạnh trong vắt của đêm xuân.
Tôi nhớ da diết khoảnh khắc cả gia đình quây quần sau khi tàn hương, bố bê mâm cúng đặt lên bàn. Mẹ chia cho chúng tôi miếng xôi gấc đỏ au tự tay mẹ nấu, bảo cả nhà ăn đi cho cả năm được may mắn. Sau đó, mẹ cho chị em tôi được ăn những gì mình thích, nào những viên “trứng chim” và mứt dừa trắng muốt, nào kẹo, nào bánh; món nào mẹ mua cũng thật ngon và hấp dẫn. Chúng tôi háo hức thử từng món một, rồi ôm cái bụng ấm "ngọt ngào" chìm vào giấc ngủ, niềm vui còn len lỏi cả trong mơ.
Sáng mùng 1 với chúng tôi là một ngày rất thiêng liêng. Mẹ dặn, ngày đầu năm mới làm gì cũng phải cẩn thận, tránh đổ vỡ, gặp người lớn phải tươi cười và chào thật to vì nếu ngày đầu năm suôn sẻ, cả năm sẽ tốt đẹp. Chị em tôi răm rắp dạ vâng, phấn khởi thay quần áo mới, theo bố mẹ đi chúc Tết ông bà.
Mùng 1 năm nào cả nhà tôi cũng đến chúc Tết ông bà nội trước tiên. Bố là con cả nên nhà tôi thường đến sớm, giúp ông bà chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Gặp mặt các cô, chú và anh chị em họ, chúng tôi xếp hàng để nhận lì xì. Vui lắm, chị em tôi khóa chặt tiền trong túi, rủ nhau ra một góc, thi nhau đếm và khoe nhau những đồng tiền xanh đỏ.
Bữa cơm đầu năm sum họp với đại gia đình xong, chúng tôi chào ông bà và bắt đầu hành trình đi chùa, chúc Tết họ hàng. Đến mùng 3, chúng tôi gặp lại ở nhà ông bà nội để tiễn tổ tiên, quê tôi gọi là “hóa vàng”. Ăn trưa xong, chúng tôi dành nốt thời gian còn lại để chúc Tết bạn bè thân của bố mẹ. Vậy là ba ngày Tết trôi qua, chủ yếu là gặp mặt mọi người, lũ trẻ chúng tôi thì hãnh diện khoe áo mới, khoe lì xì và thưởng thức đủ loại bánh kẹo "cả năm có một" trên hành trình đi chúc Tết.
Tết của những ngày còn bé, khi tôi được tận hưởng trọn vẹn hương vị Tết của tuổi thơ….
Mời độc giả tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”
Tết Nguyên đán gắn với đời sống văn hóa, tâm linh, tình cảm của mỗi người Việt Nam, là sự kiện mà mỗi chúng ta đều hướng về bằng việc nỗ lực tạo ra, dành ra những giá trị tốt đẹp nhất. Tết gắn với sum họp gia đình, với yêu thương chia sẻ, với những ước nguyện cho tương lai. Vì vậy, khi thời gian trôi qua, mỗi người Việt đều rưng rưng hoài niệm về Tết với bao thương nhớ.
Dù bạn đang ở tuổi 20 phơi phới, tuổi 30-40 rực rỡ, tuổi 50 “tri thiên mệnh” hay đã an nhiên với tuổi 70-80 thì đều có những ký ức về Tết Nguyên đán mà bạn thường dùng từ “hồi đó”, “ngày xưa” khi kể lại, những hoài niệm khiến mỗi chúng ta được trở về với sự thuần khiết, trong trẻo như trẻ thơ.
Hãy chia sẻ với VTC News và các độc giả khác những kỷ niệm, hồi ức đó của bạn bằng cách gửi bài viết tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”. Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: [email protected].
Bình luận