Nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng, trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại xoong chảo khác nhau như xoong chảo chống dính, xoong chảo bằng nhôm, bằng đồng, xoong chảo bằng gốm tráng men. Bên cạnh sự bắt mắt và những tiện ích mà nó mang lại, loại xoong chảo này lại gây nên mối nguy hại cho người sử dụng.
Xoong chảo chống dính
Hiện nay xuất hiện nhiều loại chảo chống dính với nhiều mẫu mã và chất lượng khác nhau. Tuy nhiên, bản chất hóa học của chất chống dính là các loại polyme chịu nhiệt. Trong đó, phổ biến và hay được nhắc đến nhất là hợp chất teflon.
Đây là vật liệu thông dụng, khá rẻ tiền nhưng không bền. Nó bị mòn đi theo thời gian và rất dễ trầy xước khi bị cọ mạnh với dụng cụ bằng kim loại. Khi đó, các hợp chất chống dính này sẽ dễ dàng trộn lẫn vào thức ăn và gây tác động trực tiếp lên sức khỏe con người.
Thêm vào đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những loại chất chống dính như teflon thường có nguồn gốc từ polyme có tên Polytetrafluoroethylene PTFE. Ở nhiệt độ bình thường thì không có hại nhưng khi đốt nóng lên từ 300 độ C - 500 độ C thì hợp chất chống dính này sẽ tạo ra lớp khói có chứa các phức chất Perfluoisobutylene, Perfluorooctanoic Acid PFOA và Carbonylcloride. Đây đều là những chất độc gây tức ngực, khó thở hay thậm chí là ung thư.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, nhiều hãng sản xuất còn sử dụng chất chống dính bằng silicon có màu đen bóng và rất mỏng. Loại chất này có độ bền rất thấp nên chỉ sau một thời gian rất ngắn hay chỉ cần vài lần cọ sát, chúng sẽ từ từ bong ra và dính vào thức ăn.
Đặc biệt, nhiều nhà sản xuất còn làm loại chảo, nồi chống dính giả. Thay vì sử dụng hợp chất, họ thường làm chảo bằng các loại sơn kém chất lượng nên chỉ cần tiếp xúc với nhiệt độ cao, sơn nóng chảy sẽ đi thẳng vào thực phẩm và tạo ra hợp chất cực độc đối với cơ thể.
Xoong chảo bằng nhôm
Những sản phẩm gia dụng được sản xuất bằng nhôm xuất hiện nhiều loại. Bên cạnh những sản phẩm của các hãng có tiếng kể cả hàng sản xuất trong nước và nhập ngoại, còn có nhiều sản phẩm giá rẻ của các cơ sở sản xuất thủ công và sự len lỏi của hàng Trung Quốc.
Tuy nhìn bằng mắt thường, nồi nhôm có hình thức khá đẹp, bên ngoài rất sáng và sạch. Thế nhưng, ít ai biết rằng trong vô số chiếc nồi nhôm này có nguồn gốc từ nhôm tái chế, được sản xuất chủ yếu bằng thủ công nguồn nguyên liệu từ phế thải. Dùng nồi nhôm kém chất lượng như vậy sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người dùng.
Theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì có trong sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg, nếu hàm lượng chì vượt quá sẽ là nguyên nhân làm loãng máu, da xanh, hủy hoại hồng cầu. Ở mức độ nhiều hơn chúng sẽ tích tụ trong gan, thận gây ung thư, giảm chức năng gan và nặng nữa thì gây ngộ độc cấp tính...
Đặc biệt, khi dùng nồi nhôm để nấu ở nhiệt độ cao với thức ăn có nước mắm, muối, canh chua... phản ứng hóa xảy ra nhanh hơn, tạp chất độc sẽ thôi nhiễm nhanh và lẫn vào thức ăn.
Xoong chảo bằng đồng
Với lý do đồ đồng đẹp mắt và dẫn nhiệt tốt, giúp thực phẩm nóng nhanh và đều, các sản phẩm gia dụng bằng đồng đã được nhiều bà nội trợ tin tưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc sử dụng nồi đồng cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Giống như một số kim loại nặng khác, đồng cần thiết cho sức khỏe con người với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, dư thừa đồng trong cơ thể thì sẽ gây hại. Thiếu hụt vitamin C, một số loại ung thư có liên quan đến mức estrogen cao, vấn đề liên kết mô… là những nguy cơ có thể gặp khi cơ thể dư thừa kim loại đồng.
Thêm nữa, dư thừa nickel có thể gây ra bệnh về tuyến giáp, bệnh tim mạch hay thậm chí là ung thư.
Khi dụng cụ nấu bằng đồng không được tráng một lớp phủ bên ngoài, nó có thể giải phóng đồng vào những món ăn có axit. Còn nếu đồ đồng có lớp phủ bên ngoài thì thường là niken, lại là một nguyên tố độc hại khác.
Xoong chảo bằng gốm tráng men
Đồ gốm tráng men trông đẹp mắt. Gốm về cơ bản là an toàn tuy nhiên lớp men phủ bên ngoài có thể chứa những chất độc hại. Lớp men phủ gốm không bền và thường xước sau vài tháng sử dụng. Khi nó bị xước, chì và cadmium trong lớp men phủ sẽ đi vào thực phẩm và sau đó vào trong cơ thể bạn.
Trong đó nhiễm độc chì là một trong những loại ngộ độc kim loại nguy hiểm nhất, chì nhiễm vào thức ăn khi được đun nóng. Chỉ một lượng chỉ rất nhỏ có thể gây tổn thương não bên cạnh những nguy cơ cho sức khỏe khác.
Video: Mực ngâm trong nước, nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Sử dụng xoong, chảo nào là an toàn
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe, bà nội trợ cần sử dụng các loại xoong chảo làm từ chất liệu như:
Inox: Cũng là thép không gỉ nhưng hợp kim này không phôi kim loại ra ngoài và phân bổ nhiệt đồng đều trên bề mặt khi nấu. Riêng với chảo inox khi chiên cần một lượng lớn dầu để tạo bề mặt chống dính.
Gốm sứ cao cấp: Xoong chảo loại này tạo nên bề mặt không dính với 100% quặng khoáng vô cơ và Oxyt. Gốm sứ chất lượng cao không chứa kim loại, không chì và cadmium. Một số công ty có thể đưa ra chứng nhận kiểm tra về việc không phôi ra kim loại nặng cho sản phẩm của mình.
Gang: Gang là chất liệu an toàn khi dùng để nấu nướng và đã được sử dụng từ hàng ngàn năm nay. Chỉ duy nhất dụng cụ nấu bằng gang mang đến lợi ích về dinh dưỡng cho chúng ta. Xoong chảo loại này sẽ giải phóng ra một lượng nhỏ sắt vào thực phẩm mỗi lần bạn nấu. Sử dụng xoong chảo gang khi nấu giúp gia tăng lượng sắt trong cơ thể đặc biệt khi bạn nấu với thực phẩm a xít như cà chua.
Thủy tinh: Dùng xoong chảo bằng thủy tinh sẽ không bao giờ giải phóng bất cứ thứ gì độc hại khi đun nóng, bền, thân thiện với môi trường và không lưu mùi vị thức ăn nấu trước đó.
Bình luận