• Zalo

Hiểu rõ hơn về phụ gia thực phẩm từ chia sẻ của chuyên gia

An toàn thực phẩmThứ Ba, 09/11/2021 11:22:13 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, phụ gia sử dụng trong thực phẩm không gây hại cho sức khỏe nếu tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Trước các thông tin tiêu cực về phụ gia, nhiều người có tâm lý cảnh giác khi sử dụng thực phẩm chứa thành phần này vì lo sợ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, việc chứa chất phụ gia chưa đủ để phản ánh chất lượng thực phẩm.

Vì vậy, người tiêu dùng không nên quá lo lắng mà cần sáng suốt khi chọn mua thực phẩm, lập chế độ ăn uống khoa học.

Hiểu đúng về chất phụ gia

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, phụ gia được sử dụng trong chế biến thực phẩm từ nghìn năm trước, phổ biến tại tất cả quốc gia trên thế giới. Thành phần này có công dụng cải thiện màu sắc, hương vị, giúp thực phẩm bắt mắt, hấp dẫn hơn hay kéo dài thời gian bảo quản. Không chỉ vậy, một số phụ gia còn làm giàu giá trị dinh dưỡng thực phẩm nhờ cung cấp khoáng chất, vitamin có lợi.

Tại Việt Nam, theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT, có hơn 400 loại phụ gia khác nhau được cấp phép sử dụng. Đa phần trong số này là hóa chất nhưng không độc hại cho sức khỏe. Chỉ số ít có nguy cơ tác động xấu đến cơ thể nếu sử dụng vượt quá nồng độ, liều lượng khuyến cáo.

Hiểu rõ hơn về phụ gia thực phẩm từ chia sẻ của chuyên gia - 1

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hóa chất thông thường muốn xuất hiện trong danh mục phụ gia được cấp phép phải trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng.

Các nhà khoa học sẽ thử nghiệm phụ gia nhiều lần trên động vật có hệ thống chuyển hóa tương tự con người, theo trình tự từ nhỏ đến lớn như chuột bạch, thỏ, chó, khỉ... Dựa trên kết quả thử nghiệm, các chuyên gia sẽ kết luận về mức độ an toàn và tính toán ra nồng độ, hàm lượng cho phép khi sử dụng phụ gia cho người.

Việc nghiên cứu chất phụ gia được thực hiện rất kỹ. Ngay cả khi được cấp phép, chất phụ gia vẫn được nghiên cứu để đánh giá mức độ an toàn nhiều lần”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm.

 

Hiểu rõ hơn về phụ gia thực phẩm từ chia sẻ của chuyên gia - 2

Phụ gia được cấp phép trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về mức độ an toàn. (Ảnh: Pexels)

Bị phân giải hoặc đào thải khi vào cơ thể

Việc được đào thải hay tích tụ trong cơ thể là một trong những cơ sở quan trọng để các nhà khoa học đánh giá mức độ an toàn của chất phụ gia. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết nếu sử dụng trong liều lượng cho phép, khi vào cơ thể, phần lớn chất phụ gia sẽ phân giải và được đào thải ra ngoài.

Phụ gia trong thực phẩm được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua cơ chế thải độc được thực hiện bởi gan, thận, ruột, hô hấp, làn da và hệ bạch huyết. Theo đó, các tạp chất thoát ra ngoài qua đường nước tiểu, mồ hôi, phân, hít thở… Cơ chế này sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi chúng ta duy trì thực đơn ăn uống lành mạnh, tăng cường tập luyện thể thao, ngủ nghỉ điều độ.

Hiểu rõ hơn về phụ gia thực phẩm từ chia sẻ của chuyên gia - 3

Người tiêu dùng nên ăn uống có chừng mực, khoa học. (Ảnh: Unplash)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin thêm, hiện nay, mỗi thực phẩm công nghiệp lưu hành trên thị trường được ghi rõ thành phần phụ gia trên bao bì với ký hiệu INS (International Numbering System). Người tiêu dùng có thể tra cứu ký hiệu này trong danh mục trên website của Cục An toàn Thực phẩm với đầy đủ thông tin về tên phụ gia, công dụng, cách dùng, quy định giới hạn nồng độ/hàm lượng…

Mỗi sản phẩm lưu thông trên thị trường được cơ quan chức năng kiểm duyệt kỹ lưỡng, đảm bảo chỉ chứa chất phụ gia trong danh mục hợp pháp. Vấn đề nguy hiểm nhất là sử dụng hàng hàng hóa không có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, không có công bố do cơ quan chứng năng cấp phép”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, sử dụng phụ gia thực phẩm chịu sự quản lý của Bộ Y tế thông qua Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm…

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng bên cạnh hiểu rõ về chất phụ gia, người tiêu dùng nên ưu tiên chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn, có uy tín. Sản phẩm tốt thường có bao bì sạch sẽ, cung cấp đầy đủ thông tin về thành phần, hạn sử dụng, chứng nhận hay giấy phép.

Đối với thực phẩm không có bao bì nên dựa vào quan sát và kinh nghiệm, tránh chọn những loại có vẻ ngoài khác thường. Tốt hơn, người dùng nên tham khảo ý kiến chuyên gia, thông tin báo đài hay người đã sử dụng qua để lựa chọn thực phẩm tốt.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn