• Zalo

Hành trình Philippines tìm công lý trước Trung Quốc qua 'PCA'

Thế giớiChủ Nhật, 10/07/2016 20:46:00 +07:00Google News

Trước thái độ “bất chấp” của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines đã lựa chọn “thanh gươm” pháp lý mang tên PCA.

>> Kỳ 1: Tòa trọng tài “PCA” mà Trung Quốc ra sức đối phó là gì?

Tháng 4/2012, Trung Quốc và Philippines đối đầu căng thẳng ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền (nhưng cho đến lúc đó Philippines vẫn kiểm soát trên thực tế).

Đến tháng 6/2012, bằng nhiều thủ thuật khác nhau, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với bãi cạn này. Sau đó Trung Quốc tiếp tục củng cố sự kiểm soát của họ đối với Scarborough/Hoàng Nham. Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc xoay quanh chủ quyền biển đảo kéo dài cho tới tận hiện nay.

Giải pháp ngoại giao thất bại

Một thời gian ngắn sau sự kiện Scarborough, Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc dựa trên thủ tục trọng tài trong Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai quốc gia này.

Quang cảnh phiên tranh tụng của Tòa trọng tài Phụ lục VII về vụ kiện của Philippines, tổ chức tại trụ sở PCA. Ảnh: PCA.

Philippines tuyên bố họ phải dùng đến phương cách này sau khi mọi nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để giải quyết hòa bình tranh chấp biển với Trung Quốc đã thất bại.

Cả Philippines và “nước lớn” Trung Quốc đều là quốc gia thành viên của tổ chức liên chính phủ “Tòa Trọng tài Thường trực” (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan). Vào ngày 22/1/2013, Philiipines gửi cho Trung Quốc một bản thông báo và tuyên bố khởi kiện theo các điều khoản của UNCLOS và phụ lục của Công ước này.

Tuy nhiên ngày 19/2/2013, Trung Quốc bác bỏ và gửi trả lại thông báo của Philippines. Họ khẳng định không chấp nhận và không tham gia vụ kiện. Tiếp đó Philippines đơn phương kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế (cụ thể là Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS).

Trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, Philippines có thể dùng đến cơ chế Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Tuy nhiên hai cơ chế này muốn thực hiện được thì các bên tranh chấp phải đồng ý cùng ra tòa. Tuy nhiên Trung Quốc không chịu ra tòa cùng Philippines. Vậy nên Philippines phải trông cậy vào Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS vì đây là cơ chế cho phép một bên tranh chấp đơn phương kiện bên còn lại. (Cơ chế thứ 3 này thực ra vẫn có những hạn chế riêng, nhưng đối với Philippines, kiện được vẫn “hơn là không”).

Cuộc chiến pháp lý quyết liệt

Do Trung Quốc từ chối tham gia phân xử bằng trọng tài nên theo quy định của UNCLOS (Phụ lục VII), tòa trọng tài cho vụ kiện của Philippines đã được lập bởi Philippines và Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

(Tòa ITLOS là một cơ quan tư pháp độc lập được thiết lập theo UNCLOS, với 21 thành viên độc lập tương ứng với 21 quốc gia. ITLOS có mối quan hệ gần gũi với Liên Hợp Quốc, được Liên Hợp Quốc trao quy chế quan sát viên tòa án tại Đại hội đồng LHQ. ITLOS có quan hệ hợp tác với PCA.)

Tòa trọng tài nói trên gồm 5 trọng tài viên trong đó 4 người là do Chánh án ITLOS tại thời điểm đó - ông Shunji Yannai (người Nhật Bản) chỉ định, và 1 người là do Philippines chỉ định. Cụ thể, Chánh án ITLOS chỉ định thẩm phán Pawlak (quốc tịch Ba Lan) làm trọng tài viên cho Trung Quốc (nước từ chối tham gia phán xử), và thẩm phán Cot (quốc tịch Pháp), Giáo sư Soons (quốc tịch Hà Lan), và thẩm phán Mensah (quốc tịch Ghana). Philippines chỉ định thẩm phán Wolfrum (quốc tịch Đức).

5 vị trọng tài viên của Tòa trọng tài Phụ lục VII xử vụ Philippines. Ảnh: PCA

Tòa trọng tài giải quyết sự vụ cụ thể này được thành lập vào ngày 21/6/2013. Sau đó Tòa đã họp và lựa chọn PCA làm Ban thư ký cho vụ kiện. Tòa đã thông báo cho Trung Quốc và Philippines rằng họ có cơ hội trao đổi về dự thảo thủ tục tố tụng.

Trung Quốc đã phớt lờ cơ hội từ Điều 5, Phụ lục VII của UNCLOS để tham gia vụ kiện này. Đầu tháng 8/2013, Trung Quốc gửi công hàm cho PCA để tái khẳng định quan điểm “không chấp nhận” của họ.

Trong khi đó vào cuối tháng 7/2013, Philippines đã gửi ý kiến về dự thảo. Tính từ thời điểm Philippines khởi kiện, các chuyên gia của nước này đã tích cực và nhiều lần bổ sung hồ sơ vụ kiện cũng như tham gia tranh tụng để giải thích lập trường của nước họ theo yêu cầu của Tòa trọng tài.

Ngày 30/3/2014, Philippines đã đệ trình lên Tòa trọng tài một biên bản ghi nhớ chi tiết, dày khoảng 4.000 trang, trong đó có những tư liệu chứng minh và bản đồ hỗ trợ việc tố tụng.

Tòa trọng tài Phụ lục VII xác định ngày 16/12/2014 Trung Quốc phải nộp phản biện về bản ghi nhớ của Philippines song trước thời hạn này Trung Quốc không gửi phản biện nào. Tuy nhiên ngày 7/12/2014, Trung Quốc công bố “Văn kiện lập trường của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện Biển Đông do Cộng hòa Philippines khởi xướng”, trong đó Trung Quốc tiếp tục khẳng định Tòa trọng tài thiếu thẩm quyền xem xét vụ kiện của Philippines.

Ngày 16/3/2015, theo yêu cầu của Tòa trọng tài Phụ lục VII, Philippines lại gửi tiếp một bản lập luận bổ sung về một số vấn đề nhất định.

Phái đoàn hùng hậu của Philippines tại trụ sở PCA. Ảnh: PCA.

Trước “Văn kiện lập trường” của Trung Quốc, Tòa trọng tài đã tổ chức cuộc tranh tụng về thẩm quyền của mình và việc thụ lý vụ kiện, trong thời gian từ ngày 7-13/7/2015. Sau đó vào ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài Phụ lục VII đã ra phán quyết về vấn đề này, trong đó Tòa xác định mình có thẩm quyền đối với khoảng một nửa số đệ trình của Philippines, đồng thời bác bỏ các phản bác của Trung Quốc.

Các thẩm phán của Tòa trọng tài trong môt bản tóm tắt dài 10 trang đã khẳng định Philippines khởi kiện một cách hợp thức và không lạm dụng tố tụng pháp lý như tuyên bố của phía Trung Quốc.

Có 3 điểm lớn trong bản tóm tắt này: Thứ nhất, các tranh luận do Philippines đưa ra trong vụ kiện không liên quan đến chủ quyền đối với lãnh thổ đất. Thứ hai, các tranh chấp đó không liên quan đến phân định biển. Thứ ba, Tuyên bố của các bên về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) không cản trở việc sử dụng phương thức trọng tài.

Các đệ trình của Philippines

Trong phiên tranh tụng vào tháng 7/2015 tại Tòa trọng tài (diễn ra bên trong trụ sở PCA ở La Hay), Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nêu 15 nội dung kiện của Philippines. Các nội dung đó gồm 5 nhóm vấn đề chính như sau:

1- Trung Quốc vi phạm UNCLOS bằng cái gọi là “đường 9 đoạn” và các “quyền lịch sử”. Philippines yêu cầu Tòa tuyên Trung Quốc xác định rõ vùng biển và thềm lục địa theo đúng Công ước này.

2- Xác định quy chế pháp lý của một số thực thể (gồm bãi cạn Scarborough và 8 cấu trúc tại Trường Sa).  Philippines đề nghị Tòa công nhận các thực thể địa lý đó là đảo, đá hoặc bãi lúc nổi lúc chìm. (Mỗi quy chế sẽ được hưởng các quyền lợi khác nhau).

Luật sư trưởng Florin Hilbay của Philippines tại phiên tranh tụng bên trong trụ sở PCA. Ảnh: PCA.

3- Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

4- Trung Quốc phá hoại môi trường biển tại bãi Scarborough và một số thực thể khác ở Biển Đông.

5- Tàu chấp pháp Trung Quốc có những hành động nguy hiểm với tàu Philippines, vi phạm luật pháp quốc tế.

Vào ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài Phụ lục VII quyết định họ có thẩm quyền đối với 7 đệ trình của Philippines, tập trung vào quy chế pháp lý của một số thực thể địa lý, hành vi Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Tòa sẽ quyết định thẩm quyền đối với các đệ trình còn lại trong quá trình xem xét nội dung thực chất của các đệ trình đó.

Sau đó phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện diễn ra vào cuối tháng 11/2015.

Phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines nhằm vào Trung Quốc sẽ được Tòa trọng tài Phụ lục VII đưa ra vào ngày 12/7/2016 sắp tới.

Phản ứng của quốc tế

Nhìn chung các nước thể hiện sự đồng tình ủng hộ đối với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước chủ chốt trong EU tích cực ủng hộ Philippines trong vụ kiện này. Hàn Quốc và Ấn Độ mong muốn ASEAN có tiếng nói chung về vụ kiện của Philippines sau khi Tòa trọng tài có phán quyết.

Trong khi đó, Nga chỉ mới nhấn mạnh chung chung đến giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa bình và đàm phán trực tiếp giữa các bên. Campuchia cũng có dấu hiệu không ủng hộ vụ kiện lên trọng tài quốc tế.

Chính quyền Philippines thì đương nhiên đã nhấn mạnh quyết tâm theo đuổi vụ kiện này, coi đây là biện pháp đấu tranh chính để giải quyết tranh chấp của họ với Trung Quốc trên Biển Đông. Họ có lợi thế ở đoàn luật sư quốc tế và chuyên gia luật biển hùng hậu.

Tuy nhiên sau khi Philippines có tân Tổng thống (ông Rodrigo Duterte) thì tình hình ở nước này có vẻ có đôi chút thay đổi. Nhân vật Duterte quan tâm nhiều đến vấn đề khủng bố IS và thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Khác với người tiền nhiệm là Aquino, Tổng thống Duterte tỏ ra thân Trung Quốc hơn và dường như nghiêng nhiều về phương án đàm phán song phương với Trung Quốc.

Mặc dù vậy, trước thềm bầu cử Philippines, ông Duterte - vốn nổi tiếng với các tuyên bố gây sốc - từng khẳng định ông không dễ dàng từ bỏ tuyên bố chủ quyền của nước ông. Khi ấy chính trị gia này được cho là đã nói rằng nếu phán quyền của tòa có lợi cho Philippines mà Trung Quốc không chấp nhận thì ông sẽ đi tàu ra vùng tranh chấp rồi cắm cờ Philippines lên đó.

(Nguồn: VOV)
Bình luận
vtcnews.vn