• Zalo

Hai tuần thảm họa của H&M ở châu Á

Thời sự quốc tếThứ Hai, 05/04/2021 11:40:03 +07:00Google News
(VTC News) -

Không những bị thị trường Trung Quốc quay lưng, nhiều cửa hàng của H&M đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng Việt Nam.

Giữa tuần trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin Haines Morris - công ty vận hành trang web chính thức của H&M bị hai trong số các cơ quan quản lý của thành phố triệu tập. Họ yêu cầu nhà mốt này sửa chữa "vấn đề" trên bản đồ đăng tải trên trang web của hãng.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) khẳng định Haines Morris đã lập tức "sửa chữa sai lầm" sau khi được cảnh báo. 

Không rõ các chỉnh sửa này là gì và giới chức Thượng Hải đang đề cập tới bản đồ nào. H&M đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận.

Hai tuần thảm họa của H&M ở châu Á - 1

Một cửa hàng H&M ở Trung Quốc phải đóng cửa. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên theo AP, Bắc Kinh thường yêu cầu các thương hiệu hoạt động tại nước này hiển thị trên bản đồ các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền, trong đó có "đường lưỡi bò". 

Trong khi đó, Cục Quy hoạch và tài nguyên thiên nhiên Thượng Hải và Văn phòng thông tin Internet Thượng Hải nhắc nhở nhà vận hành các trang mạng, nền tảng nghiên cứu kỹ và "sử dụng bản đồ biểu thị chính xác lãnh thổ quốc gia" Trung Quốc.

Sau thông tin này, cộng đồng mạng Việt Nam kêu gọi tẩy chay thương hiệu bán lẻ Thụy Điển. Một số khẳng định nếu H&M thực sự cập nhật bản đồ không đúng với sự thật, họ sẽ quay lưng với nhà mốt này. 

H&M gần đây trở thành ví dụ điển hình về việc các công ty nước ngoài gặp sẽ rắc rối ra sao tại Trung Quốc nếu vướng vào các vấn đề chính trị.

Trước sự vụ "bản đồ có vấn đề", nhà bán lẻ quần áo thời trang này phải đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ người tiêu dùng Trung Quốc vì tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương. 

Nhiều cửa hàng H&M ở Trung Quốc phải đóng cửa, một số thậm chí biến mất khỏi các tìm kiếm của Apple Maps và Baidu Maps. Mọi sản phẩm của hãng bị gỡ khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall. 

Các chuyên gia cho rằng việc H&M bị tẩy chay ở nhiều thị trường cho thấy họ sẽ phải trả giá ra sao khi không duy trì quan điểm rõ ràng liên quan tới các vấn đề chủ quyền. 

Năm 2019, Việt Nam từng yêu cầu ngừng chiếu bộ phim "Abominable" do sử dụng bản đồ hình lưỡi bò. Cùng năm, một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu ô tô Volkswagen AG chứa phần mềm dẫn đường có “đường lưỡi bò” phi pháp bị xử phạt. 

Liên quan tới việc đường lưỡi bò xuất hiện trong "Abominable", ông Nguyễn Thái Bình - người phát ngôn Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch từng khẳng định "cho dù là cơ quan quản lý nhà nước hay người dân thì đều phải nêu cao ngọn cờ độc lập chủ quyền dân tộc lên hàng đầu”.

Song Hy(Nguồn: Bloomberg)
Bình luận
vtcnews.vn