Trên các trang mạng xã hội, dư luận bày tỏ sự bức xúc đòi, tẩy chay khi nghe tin H&M cập nhật bản đồ có liên quan đến chủ quyền. Theo một số trang Facebook cá nhân, nếu H&M thực sự cập nhật bản đồ không đúng với sự thật, họ sẽ tẩy chay mặt hàng này.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chưa rõ bản đồ H&M cập nhật ra sao. H&M cũng chưa lên tiếng về vấn đề này.
Hôm 2/4, chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết, website của hãng thời trang H&M đã đồng ý sửa đổi bản đồ Trung Quốc, nhưng có liên quan tới 'đường lưỡi bò' hay không thì chưa rõ. Quyết định này của H&M được đưa ra sau khi Văn phòng Kế hoạch và Quản lý tài nguyên của thành phố này đưa ra yêu cầu.
Trung Quốc cho rằng, bản đồ mà H&M đăng tải ban đầu "có vấn đề". Sau khi bị Bắc Kinh chỉ trích, cảnh báo mạnh mẽ, H&M đã sửa lại.
Thông tin được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng lên trang web và tài khoản mạng xã hội Weibo của họ như sau: "Gần đây, cư dân mạng báo cáo với cơ quan quản lý rằng trên trang web H&M (hm.com) xuất hiện một bản đồ Trung Quốc 'có vấn đề'. Cục Quy hoạch và tài nguyên thiên nhiên thành phố Thượng Hải lập tức thông báo họ nhanh chóng cải chính. Nhận được thông báo, Công ty TNHH thương mại Haines Morris (Thượng Hải), công ty vận hành trang web chính thức của H&M, đã sửa chữa sai lầm ngay lập tức".
Nhiều tờ báo khác của Trung Quốc cũng đăng thông tin tương tự như vậy, nhưng không giải thích rõ bản đồ Trung Quốc "có vấn đề" trên trang web H&M là bản đồ ra sao và yêu cầu H&M chỉnh sửa thế nào. H&M hiện cũng chưa bình luận về vấn đề này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh H&M đối mặt với phản ứng dữ dội, nguy cơ bị tẩy chay ở Trung Quốc sau căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và phương Tây liên quan vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Từ tháng 3 vừa qua, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải các bài viết phản đối H&M sau khi thương hiệu thời trang này tuyên bố ngừng làm việc với các nhà máy sản xuất hàng may mặc ở Tân Cương và không mua bông sản xuất ở khu tự trị này.
H&M nhấn mạnh mục đích của họ là ủng hộ tất cả người nông dân trên thế giới có thể tiếp tục áp dụng phương thức gieo trồng bông, bảo vệ sức lao động của người nông dân.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, nhãn hàng H&M khẳng định họ muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc một tuần sau khi bị tẩy chay dữ dội ở quốc gia tỷ dân.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 31/3, nhà mốt Thụy Điển nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, đồng thời cho biết đang nghiên cứu các chiến lược để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu.
H&M cũng khẳng định họ sẽ đóng góp vào nỗ lực chung nhằm phát triển ngành công nghiệp thời trang cũng như phục vụ khách hàng thông qua việc phối hợp với đối tác và các bên liên quan.
Tuyên bố không hề nhắc tới vấn đề bông Tân Cương - vốn là nguyên nhân dẫn tới làn sóng tẩy chay H&M dữ dội tại Trung Quốc.
Bình luận