Theo Wall Street Journal, các quan chức tuyên truyền Trung Quốc bắt đầu chúc mừng ở Bắc Kinh hai ngày sau khi một bài đăng trên mạng xã hội giúp khơi dậy làn sóng phẫn nộ đối với các thương hiệu quần áo phương Tây.
Họ coi đó là một chiến thắng trong nỗ lực mới nhằm chống lại những lời chỉ trích từ phương Tây.
Làn sóng thịnh nộ đã "thiêu đốt" H&M, Nike, Adidas và những cái tên nổi tiếng khác của ngành bán lẻ toàn cầu, đe dọa khiến họ bị mất doanh thu tại một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, bắt đầu bằng thông điệp từ một blogger trên Twitter của Trung Quốc.
Chiến dịch nhắm vào H&M và các công ty khác do họ bày tỏ lo ngại về nghi vấn lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.
Tại một cuộc họp vào cuối tháng trước, các quan chức của Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhắc lại trường hợp Hong Kong và sự cần thiết phải đẩy lùi câu chuyện Tân Cương khi sự chú ý của quốc tế chuyển sang người Duy Ngô Nhĩ, theo Wall Street Journal.
Khi thảo luận về Tân Cương, họ nói đến khả năng gây sức ép với các công ty nước ngoài có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.
Một số học giả có mặt tại cuộc họp cho rằng Bắc Kinh cần phải lớn tiếng bác bỏ những câu chuyện hoặc tuyên bố sai lệch về Tân Cương. Các học giả và cố vấn chính trị khác đề nghị Trung Quốc phản ứng hợp lý và có bằng chứng pháp lý nếu các công ty nước ngoài "tuyên bố không đúng" về Tân Cương, nhưng cũng chỉ ra rằng áp lực phải đến từ công chúng và ngành công nghiệp, chứ không phải chính phủ.
Những cáo buộc liên quan đến Tân Cương đã trở thành một tiêu điểm trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia phương Tây. Bắc Kinh đã trở nên quyết liệt hơn trong việc chống lại những tuyên bố đó. Họ lên Twitter và Facebook thường xuyên hơn bao giờ hết vào năm ngoái để miêu tả các chính sách của mình là có lợi cho khu vực.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc dự kiến sẽ phát sóng "Cuộc chiến trong bóng tối", một bộ phim tài liệu dài 60 phút sẽ "tiết lộ lý do đằng sau vụ khủng bố ở Tân Cương".
Trong khi đó, nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc đã ra tuyên bố trong tuần này cho thấy sự tham gia của các doanh nghiệp ở Tân Cương sẽ tiếp tục là nguồn gốc của xung đột giữa Bắc Kinh và phương Tây.
Bình luận