• Zalo

Hải trình bí mật của tàu ngầm Pháp ở Biển Đông

Thời sự quốc tếThứ Ba, 20/04/2021 16:37:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Pháp âm thầm triển khai tàu ngầm hạt nhân tới Biển Đông hồi tháng 2 và chỉ cập nhật thông tin về hải trình này mới đây.

Hải quân Pháp gần đây tiết lộ tàu ngầm hạt nhân Émeraude của nước trở về an toàn sau một sứ mệnh ở Biển Đông. Emerald là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên được Pháp triển khai ở Thái Bình Dương trong hai thập kỷ qua. Con tàu trở lại Toulon sau hải trình kéo dài bảy tháng. 

Trong bảy tháng này, Émeraude tham gia các cuộc tập trận với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Indonesia. 

Trong cuộc phỏng vấn với Navy News, hạm trưởng Antoine Delaveau cho biết con tàu đã cố gắng hoạt động để không bị phát hiện. Ông nói thêm rằng thủy thủ đoàn đã điều khiển Émeraude một cách âm thầm. 

Hải trình bí mật của tàu ngầm Pháp ở Biển Đông - 1

Tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude. (Ảnh: Agasm)

Cũng theo hạm trưởng của Émeraude, con tàu nổi lên trước khi di chuyển qua eo biển Sunda giữa các đảo Java và Sumatra của Indonesia.

Ông Delaveau nhấn mạnh mục tiêu chuyến đi này của Émeraude là nhằm củng cố các hiệp ước hàng hải quốc tế bằng cách đi tàu tự do qua các vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông. 

Theo các chuyên gia, ngoài kinh nghiệm tích lũy được trong 36.000 giờ lặn, chuyến đi của Émeraude là cơ hội để thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa Pháp và các đồng minh như Australia, Mỹ và các nước Nhật Bản, Indonesia. 

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này điều hai tàu hải quân tới tuần tra ở Biển Đông, trong đó có Emeraude. 

"Cuộc tuần tra đặc biệt này vừa hoàn tất ở Biển Đông. Đây là bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai xa và lâu dài của hải quân Pháp cùng các đối tác chiến lược Australia, Mỹ và Nhật Bản", bà Parly viết, đăng kèm hình ảnh hai con tàu. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp không tiết lộ thêm thông tin gì về hải trình của Emeraude và tàu còn lại. 

Theo các chuyên gia, việc Pháp tăng cường hiện diện ở Biển Đông cho thấy Paris sẵn sàng đối đầu với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong các vùng biển tranh chấp, phản ánh lợi ích của Paris ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế ở Thái Bình Dương bao quanh các lãnh thổ hải ngoại của nước này.

Ngoài Pháp, các cường quốc châu Âu khác như Anh và Đức tuyên bố sẽ triển khai tàu chiến tới khu vực, thách thức các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc.

Sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc châu Âu vào địa chính trị khu vực phù hợp với các ưu tiên chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. 

Song Hy(Nguồn: Express UK)
Bình luận
vtcnews.vn