Sáng 6/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu về việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 tại việt Nam.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong đợt tiêm đầu tiên vào ngày 8/3 tới, do số lượng vaccine còn hạn chế nên Bộ Y tế sẽ không thể phân bố đủ số lượng cho cả nước mà chỉ ưu tiên cho 13 tỉnh/thành phố có dịch. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho tỉnh Hải Dương tiêm trước. Bộ cũng sẽ ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch theo đúng tinh thần của Nghị quyết 21.
Ngoài Hải Dương, những mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cũng sẽ được tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và TP.HCM…
Tuy số lượng vaccine lần đầu còn nhiều hạn chế, nhưng theo ông Long, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp và đề nghị COVAX chuyển sớm vaccine về Việt Nam.
“Ở đợt đầu tiên, số lượng vaccine nhập về chỉ là 117.600 liều. Mặc dù chưa nhiều, nhưng người dân cũng cần phải bình tĩnh. Bởi vaccine cũng đã được kiểm tra về chất lượng an toàn. Sắp tới, từ nay cho đến tháng 5, các lô vaccine sau sẽ về nhiều hơn, từ đó công tác triển khai tiêm chủng cũng sẽ nhanh hơn”, ông Long nói và khẳng định, trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ cố gắng để mọi người dân Việt Nam đều được tiêm vaccine.
Người đứng đầu ngành y tế cho rằng, việc tiêm vaccine COVID-19 lần này chính là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
Lần này, Bộ Y tế huy động tổng lực toàn ngành tham gia tiêm chủng do đây là chiến lược tiêm chủng lớn nhất nước với trên 100 triệu mũi tiêm. Bộ Quốc phòng sẽ tiêm cho lực lượng quốc phòng, Bộ Công an tiêm cho toàn bộ cán bộ công an, Bộ Y tế sẽ đảm nhiệm tiêm cho toàn dân.
Để thực hiện được mục tiêu này, song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán với các tổ chức để có thêm vaccine.
Sẽ có hộ chiếu vaccine cho người dân
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 sắp tới tại Việt Nam, để quản lý thông suốt và đồng bộ, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.
Để thực hiện việc này, Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khoẻ. Việc này vừa giúp ngành y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.
“Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code”, ông Long nói.
Ông Long cũng cho biết, trước khi tiêm vaccine tại Việt Nam, người dân sẽ được khám sàng lọc sức khoẻ để đảm bảo độ an toàn.
Tuy việc này sẽ tốn nhiều thời gian hơn nhưng nhờ vậy mới đảm bảo an toàn nhất cho người dân. Bộ Y tế sẽ thiết kế công tác sàng lọc tối giản trên phần mềm sao cho dễ sử dụng và nhanh chóng nhất có thể.
Cuối cùng, theo ông Long, tuy được tiêm vaccine phòng bệnh, nhưng người dân cũng không thể bỏ qua các biện pháp phòng bệnh. Song song với tiêm chủng, mọi người cần tiếp tục thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống dịch “vaccine phải kết hợp với 5K”.
Cùng với đó, đội ngũ y tế, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền thêm đễ người dân có niềm tin với vaccine. “Như vậy, cuộc chiến chống COVID-19 của chúng ta mới thành công được", ông Long nhấn mạnh.
Bình luận