• Zalo

Hà Nội: Nô nức đi thả cá tiễn ông Táo về trời

Thời sựThứ Hai, 16/01/2012 04:31:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Hồ gần nhà tôi bẩn quá, sợ cá không sống được nên tôi mang ra sông Hồng để thả. Cá phóng sinh phải sống thì các Táo mới về trời được chứ”.

(VTC News) – Ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày người dân làm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Một lễ vật không thể thiếu được trong lễ cúng chính là cá chép.

Theo ghi nhận của PV,
ngay từ sáng sớm, tại các chợ quanh Hà Nội, quầy hàng cá nào cũng đông đúc người mua. Ai cũng cố gắng đến sớm để mua được cá đẹp.

Nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng khác, trong ngày hôm nay cũng mua thêm cá chép về bán, phục vụ nhu cầu lớn của người dân.

Theo một số người bán hàng, trước đó mấy ngày, họ phải liên hệ đến những nơi nuôi cá chép vàng nổi tiếng ở Tây Hồ, Long Biên, thậm chí lên tận Bắc Ninh, Hưng Yên… để mua cá. Mức giá chung ở chợ dao động trong khoảng từ 20-30.000 đồng/con chép vàng to, 5-10.000 đồng/con chép vàng nhỏ.

“Năm nay, cá dễ bán. Người bán nói bao nhiêu, người mua cứ thế là mua, không trả giá nhiều”, một người bán cá cho biết.

Hồ Gươm là điểm được người dân chọn làm nơi thả cá nhiều nhất Hà Nội.

Một điều đã thành nguyên tắc đó là cá cúng Táo quân phải còn sống để còn phóng sinh. Ngay từ đầu giờ sáng, dân Hà Nội đã nô nức đi thả cá. Một hai năm trở lại đây, người dân Hà Nội thích ra sông Hồng để thả. Lý do theo một số người là các hồ trong nội thành đều bị ô nhiễm, ở sông Hồng không khí và nước trong lành hơn.

“Hồ gần nhà tôi bẩn quá, sợ cá không sống được nên tôi mang ra sông Hồng để thả. Cá phóng sinh phải sống thì các Táo mới về trời được chứ” – anh Nguyễn Văn Tuấn (quận Đống Đa, HN) cho biết.

Khác với mọi ngày, Hồ Hoàn Kiếm hôm nay cũng trở nên đông đúc hơn. Suốt từ sáng đến chiều, lúc nào cũng có người mang cá đến để phóng sinh.

Ông Phạm Đức Giang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đã rất nhiều năm nay, cứ đến ngày Tết ông Công, ông Táo là ông lại mang cá ra hồ để thả. “Năm nay, tôi đưa các cháu đi thả cá cùng, kể chuyện về sự tích ông Táo cho chúng nó nghe. Các cháu tôi rất thích", ông Đức chia sẻ.

Một cụ bà thu dọn túi nilon đựng cá mà những người dân thiếu ý thức để lại sau khi  "tiễn ông Công, ông Táo về trời"
Bà Lê Thị Châu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng dẫn các cháu đến thả cá tại Hồ Gươm cho rằng, ngoài việc đưa các cháu đi thả cá để tìm hiểu về nét văn hoá độc đáo của dân tộc thì còn là dịp để giáo dục các cháu biết yêu quý tự nhiên, yêu quý các loài vật.

Theo ghi nhận của PV, cũng như mọi năm, khi thả cá, một số người dân vẫn thiếu ý thức khi thả luôn cả túi nilon đựng cá xuống hồ. Nhiều người không vứt xuống hồ thì vứt nilon ngay khu vực quanh hồ, khiến chỉ trong một buổi sáng, rác thải ngập mặt nước.
 
Nguyễn Dũng – Anh Tuân
Bình luận
vtcnews.vn