• Zalo

GS Võ Tòng Xuân: 'Chưa ai đề cập đầu ra nông sản cho bà con ĐBSCL'

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 13/03/2021 13:23:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo GS Võ Tòng Xuân, 3 năm qua người dân ĐBSCL chuyển đổi mạnh mẽ nhưng gặp khó khăn triền miên về đầu ra nông sản, các Bộ cũng chưa đề cập đến vấn đề này.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, GS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon tại ĐBSCL) nhận định tinh thần chuyển đổi trong 3 năm quả ở khu vực diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo GS Võ Tòng Xuân, Chính phủ và các Bộ ngành cần phải giải quyết được đầu ra cho sản phẩm.

GS Võ Tòng Xuân: 'Chưa ai đề cập đầu ra nông sản cho bà con ĐBSCL' - 1

GS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

“Cái tôi thấy nó triền miên ba năm nay là người nông dân họ chuyển đổi rồi gặp khó khăn đầu ra. Báo cáo của các Bộ chưa ai nói đầu ra cho bà con nông dân. Chúng ta không thể để cho thương lái hoành hành trong dân hoặc không thể nào cứ giải cứu hoài. Chúng ta phải làm cho ổn định lại”, GS Võ Tòng Xuân nói.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, tại vùng mặn ven biển, diện tích lúa - tôm tăng nhiều nhưng có tính tự phát, chưa có đầu tư tổng thể nên việc phong trào chuyển lúa sang trồng cây ăn trái khá nhiều nhưng làm rất lẻ tẻ.

“Tôi nghĩ rằng tới đây trong quy họach của ĐBSCL thì chúng ta định hướng theo từng vùng. Vùng nào trồng cây gì trái gì. Từ định hướng đó chúng ta kết hợp lại từ nông dân với nông dân. Chốt ý chính lại là chúng ta phải có quốc sách. Gắn nông dân với doanh nghiệp với thị trường. Bà con mình sản xuất manh mún là không thể giàu được”, vị giáo sư “cây lúa” phát biểu tại hội nghị.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL đã chuyển dịch tích cực.

Nếu trước kia xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL gồm "lúa gạo, thủy sản, trái cây" thì vừa qua để thích ứng với biến đổi khí hậu phải khai thác thế mạnh theo ưu tiên "thủy sản, trái cây, lúa gạo".

Trước Nghị quyết 120, trong 3,2 triệu ha đất nông nghiệp của vùng, có 1,82 triệu ha đất lúa, 860 nghìn ha thủy sản, 385 nghìn ha cây ăn trái. Sau Nghị quyết, diện tích trồng trái cây tăng lên 450 nghìn ha, thủy sản đã lên trên 900 nghìn ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, diện tích lúa 3 vụ cũng giảm.

Bộ trưởng nhắc tới con số, năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD, nhưng năm 2020 đã là 8,8 tỷ USD, cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả. Cấp hộ, cấp doanh nghiệp chuyển động, 13 tỉnh thành chỉ đạo rất quyết liệt.

Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết 120 ban hành trong bối cảnh cực kỳ khó khăn về nguồn lực nhưng Chính phủ đã tập trung cao độ, như bố trí 10 nghìn tỷ đồng để xử lý 119km bờ biển và một số khu vực ven sông, một số công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng.

Về thủy lợi, đã kết hợp giữa giải pháp cứng và mềm, chỗ nào đủ ngọt thì trồng lúa, vùng nước lợ mặn thì nuôi trồng thủy sản trên cơ sở hệ thống thủy lợi được chăm lo. Với 28 nghìn tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi trong vùng, hàng loạt công trình lớn chỉ trong 3 năm qua đã được đưa vào sử dụng, 300 nghìn ha đất nông nghiệp được chủ động nguồn nước từ các công trình này, chưa kể một loạt các công trình của địa phương.

“Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng cực kỳ quyết liệt, chưa có bao giờ bước vào mùa khô mà Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo xử lý như nhiệm kỳ này. Đặc biệt, 13 tỉnh, bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia hiệu quả vào Nghị quyết”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, thách thức tới đây sẽ còn gian nan hơn. Bộ trưởng kiến nghị sắp tới, cần cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các nhiệm vụ cho đồng bằng. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120 một cách hiệu quả.

Cách đây hơn 3 năm, cũng tại Cần Thơ, hội nghị đầu tiên về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL là tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.

Trong 3 năm qua, các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đang thấm dần và đã thể hiện trên thực tế bằng những giải pháp phi công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Diện tích canh tác ba vụ lúa được cắt giảm. Nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ.

Nhiều mặt hàng gạo Việt Nam đã được vinh danh quốc tế. Chuỗi một số ngành hàng nông sản ở đồng bằng bắt đầu được xâu kết.

THANH TIẾN - CHU HUY
Bình luận
vtcnews.vn