Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sáng 13/3,, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá ĐBSCL giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là vùng động lực, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển của thượng nguồn, mặt trái từ phát triển kinh tế xã hội chưa bền vững. Khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, tỷ lệ di dân tự do tăng cao.
Để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973 ngày 8/7/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 26 ngày 14/9/2020 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Trong đó quy định các tiêu chí tính điểm của Vùng ưu tiên cao hơn các Vùng khác trong cả nước.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020).
Trong đó nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 162 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương là khoảng 82 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 22 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng.
Tổng số vốn NSNN đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của Vùng khoảng 388 nghìn tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.
Tuy nhiên, số vốn trên mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các địa phương, chưa thể kết nối liên tục các tuyến ven biển, còn nhiều nơi như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vẫn phải đi phà hoặc vòng sang cầu hiện hữu đã quá tải.
Do đó, để có thêm nguồn lực ngoài khoản vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, phát triển thuận thiên đã được thấm nhuần trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương.
Nghị quyết được các chuyên gia, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, các đối tác quốc tế ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ĐBSCL chuyển mình mạnh mẽ với những tiến bộ trong cả tư duy lẫn hành động, chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với tác động của biến đôi khí hậu, coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện.
Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên từng bước được chứng minh. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 (trong hai năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%).
Bình luận