Bệnh cúm thường xảy ra do virus cúm lây nhiễm qua đường hô hấp và có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Một số triệu chứng thường gặp khi mắc phải bệnh cúm là sốt, ho, đau họng, nghẹt mũi và đau nhức cơ thể. Để phòng ngừa bệnh cúm, cách tốt nhất là rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng.
Nếu mắc phải bệnh cúm, người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị do bác sĩ cung cấp kết hợp với nghỉ ngơi đầy đủ và bổ sung các loại thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh. Các loại thực phẩm hỗ trợ được chứng minh có tác dụng giúp khỏi bệnh và hồi phục thể trạng một cách nhanh chóng.
Dưới đây là danh sách 6 loại thực phẩm chuyên trị bệnh cúm do các chuyên gia từ Everyday Health khuyến nghị:
Súp gà
Súp gà từ lâu đã được các bà mẹ tin dùng để hỗ trợ điều trị cảm cúm. Các nghiên cứu cho thấy các thành phần dinh dưỡng trong súp gà có khả năng làm giảm viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch với cảm cúm.
Các chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên sử dụng các loại súp có chứa protein, rau, không chứa tinh bột và carbohydrate. Các thành phần có trong món súp gà như cần tây, cà rốt, hành… có chứa nhiều các loại vitamin và khoáng chất như vitamin A,C và các chất chống oxy hoá khác. Trong khi đó, thịt gà là một trong những loại thực phẩm giàu protein nhất từng được biến đến, phù hợp để bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh.
Tỏi
Tỏi từ lâu đã được sử dụng cho mục đích y học tại các nền văn minh Trung quốc và Ấn độ cổ đại. Theo dân gian, tỏi có thể điều trị các vấn đề về hô hấp và tiêu hoá. Trong thời Trung Cổ, một số người coi tỏi là phương thuốc thần kỳ để điều trị bệnh viêm khớp, ho mãn tính, đau răng hay vết cắn của côn trùng.
Ngày nay, các nghiên cứu đã chứng minh tỏi cũng có tác dụng giúp chống lại bệnh cúm. Bổ sung tỏi vào các bữa ăn có thể tăng cường chức năng tế bào miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm cúm.
Mật ong
Mật ong được chứng minh có tác dụng làm dịu các cơn đau họng do cảm cúm gây ra. Ngoài ra, chất làm ngọt tự nhiên từ mật ong đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Một nghiên cứu phân tích trên 1.800 người bị nhiễm trùng đường hô hấp do cảm cúm gây ra được công bố trên BMJ Evidence-Based Medicine chứng minh mật ong có khả năng hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh và giúp hồi phục nhanh chóng. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng mật ong còn hiệu quả vượt trội hơn các loại thuốc điều trị như histamin và thuốc giảm ho nhờ đặc tính kháng khuẩn và các lợi ích khác có trong nó.
Trà nóng
Trà từ lâu đã được sử dụng trong y học tại các quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc. Trà có tác dụng làm dịu các cơn đau họng và làm sạch cổ họng. Trong trà có chứa một nhóm các chất chống oxy hoá được gọi là polyphenol có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mãn tính, chất Chamomile có trong trả cũng có đặc tính kháng khuẩn.
Các loại trà khác nhau có một số lợi ích đặc thù. Trà xanh được chứng minh có các chất chống oxy hoá và catechin giúp làm tăng số lượng tế bào T điều hoà và kiểm soát hệ thống miễn dịch. Trong khi đó, trà bạc hà có khả năng làm dịu các triệu chứng liên quan đến chứng tiêu hoá.
Trong quá trình điều trị cảm cúm, các chuyên gia khuyến nghị nên tránh xa các loại trà có chứa caffeine như trà đen vì đặc tính gây mất nước cho cơ thể và không phù hợp với trẻ em.
Nhóm gia vị gừng và nghệ
Các loại thảo mộc đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị cảm cúm. Gừng và nghệ là 2 loại thảo mộc có khả năng trị cảm cúm, dễ tiếp cận vì giá thành rẻ và dễ mua ở khu vực Đông Nam Á.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã chứng minh gừng cung cấp các đặc tính kháng khuẩn, trong khi đó ở nghệ có chứa curcumin giúp chống oxy hoá và chống viêm. Tuy nhiên, do tính chất chống đông máu của curcumin, nghệ có thể gây ra tình trạng chảy máu quá mức nếu sử dụng kết hợp với các chất làm loãng máu như aspirin, clopidogrel hay warfarin.
Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH), bổ sung gừng được coi là an toàn nhưng vẫn có khả năng gây ra các tác dụng phụ như khó chịu ở bụng, tiêu chảy, ợ nóng và kích ứng cổ họng nếu dùng liệu lượng quá tiêu chuẩn cho phép. Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng gừng để điều trị bệnh.
Người bệnh chỉ nên xem gừng và nghệ là những loại gia vị có thể để thêm vào trà, súp hoặc các món ăn khác hỗ trợ điều trị cảm cúm, tuyệt đối không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Sữa chua Hy Lạp
Sữa chua Hy Lạp có công dụng tuyệt vời trong việc điều trị các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hoá do bệnh cảm cúm gây ra. Sữa chua có lượng men hữu ích để khôi phục các khuẩn có lợi cho đường ruột và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân.
Sữa chua Hy Lạp được chứng minh có lượng protein gấp đôi so với sữa chua thông thường và ít đường sữa hơn, phù hợp để phục hồi các hệ thống tiêu hoá. Một hộp sữa chua Hy Lạp nguyên chất 150gram chứa 15g protein, trong khi các loại sữa chua bình thường chỉ chứa khoảng 6g protein.
Khi sử dụng sữa chua hỗ trợ điều trị cảm cúm, bệnh nhân nên lựa chọn các loại sữa chua ít chất béo và ít đường, lượng đường và chất béo chỉ nên dưới 10g cho mỗi khẩu phần ăn.
Không có một loại thực phẩm nào có thể điều trị hoàn toàn cảm cúm, chúng chỉ có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn. Khi gặp cảm cúm ở trẻ, các mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia. Kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng phù hợp, nghĩ ngơi đầy đủ và sử dụng thuốc được chuyên gia cung cấp sẽ giúp các bé hồi phục nhanh chóng sau bệnh cảm cúm.
Bình luận