Vàng từng một thời mất đi sự ưa chuộng ở Trung Quốc khi người tiêu dùng chuyển sự quan tâm sang kim cương và các loại đá quý khác. Tuy nhiên, kim loại quý giá này đang dần tìm lại ánh hào quang tại quốc gia tỷ dân khi cơn sốt vàng mới đang diễn ra, nhờ động lực từ giới trẻ nước này.
Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA), lượng tiêu thụ vàng trong nước năm 2023 đạt gần 1.090 tấn, tăng 8,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ trang sức vàng đạt 706,48 tấn, tăng 7,97%; vàng miếng và tiền xu cũ đạt 299,6 tấn, tăng 15,7%.
CGA cho biết, dân số trẻ trong độ tuổi từ 25 đến 34 trở thành lực lượng tiêu thụ vàng chính, với tỷ lệ tăng từ 16% lên 59% trong năm 2023. Hiệp hội dự báo trong tương lai, những người tiêu dùng dưới 25 tuổi sẽ trở thành lực lượng lớn mới tiêu thụ vàng.
Có nhiều yếu tố khác nhau đằng sau nhu cầu vàng ngày càng tăng của giới trẻ Trung Quốc.
Một mặt, khi hiện tượng "Guochao" (Trung Quốc thời thượng) tái xuất, các nhà kim hoàn cố gắng tạo ra nhiều mẫu trang sức vàng hợp thời trang hơn mang đậm tính thẩm mỹ và văn hóa truyền thống của Trung Quốc, thu hút ngày càng nhiều khách hàng trẻ tuổi.
Mặt khác, giới trẻ Trung Quốc coi vàng là một sản phẩm đầu tư nhờ diễn biến tương đối tích cực của vàng trên thị trường tài chính trong những năm gần đây.
Đổ xô mua vàng
Trước kỳ nghỉ Tết, các cửa hàng vàng ở Trung Quốc đã chứng kiến một lượng lớn người tiêu dùng, trong đó phần lớn là người trẻ.
Wang Yinghao và Zhao Wenxiu, một cặp vợ chồng ở độ tuổi 20, đã chi hơn 7.000 nhân dân tệ (hơn 23,7 triệu đồng) để mua cho cha mẹ chiếc vòng cổ và vòng tay bằng vàng từ một cửa hàng vàng ở thành phố Tế Nam (thủ phủ tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc).
"Trang sức bằng vàng ngày nay có kiểu dáng thiết kế tinh tế. Cha mẹ chúng tôi rất vui khi tôi cho họ xem những mẫu này", Zhao nói.
Xia Liuxia, chủ cửa hàng vàng, cho biết: "Dây chuyền, vòng tay, nhẫn và các mặt hàng khác bằng vàng nguyên chất trị giá từ 2.000 - 3.000 nhân dân tệ (6,7 - 10,1 triệu đồng) là những mặt hàng được người tiêu dùng trẻ tuổi ưa chuộng nhất. Những thiết kế đầy phong cách và sáng tạo là một trong những lý do chính thu hút sự quan tâm của họ".
Bên cạnh tính thời trang, người tiêu dùng trẻ Trung Quốc lựa chọn trang sức vàng như một cách đầu tư.
Tang Gang, một chàng trai 28 tuổi đến từ tỉnh Quý Châu (phía tây nam Trung Quốc), kết hôn với bạn gái vào tháng 5/2023. Trước lễ cưới của họ, anh theo phong tục truyền thống địa phương và mua cho bạn gái "bộ ba đồ vàng" gồm nhẫn, vòng tay và vòng cổ bằng vàng thay vì mua một chiếc nhẫn kim cương.
"Trong những năm gần đây, giá vàng không ngừng tăng. 'Bộ ba đồ vàng' thường có giá hơn 30.000 nhân dân tệ (hơn 101 triệu đồng). Đây là mức giá tương đối cao nhưng không khiến người tiêu dùng ngần ngại vì vàng có thể duy trì giá trị lâu dài so với kim cương", ông chủ Xia cho hay.
Trung Quốc thời thượng
"Guo Chao" (Trung Quốc thời thượng) chỉ phong cách, thiết kế sang trọng và lạ mắt, kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống.
Trong những năm gần đây, "Guo Chao" được thế hệ trẻ Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt. Nhờ đó, ngày càng nhiều các nhà kim hoàn Trung Quốc tham gia xu hướng và thiết kế các sản phẩm trang sức bằng vàng mang yếu tố văn hóa truyền thống nước này, nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng trẻ.
Ông chủ Xia cho biết, mặt dây chuyền vàng hình ổ khóa được khắc hình cá chép và hoa sen, hai biểu tượng may mắn ở Trung Quốc, là một trong những sản phẩm bán chạy nhất và được yêu thích nhất của của hàng trên Xiaohongshu, nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội về phong cách sống cho giới trẻ hàng đầu nước này.
“Mặt khóa có thiết kế tinh tế và sử dụng kỹ thuật chạm khắc cổ xưa, nhưng giá thành lại không cao, nên được nhiều người tiêu dùng trẻ quan tâm", Xia nói.
Trong những năm gần đây, việc nâng cấp các kỹ thuật chế tác vàng truyền thống của Trung Quốc như "vàng cổ pháp" và "vàng cứng" đã mang đến nhiều thiết kế mới lạ hơn, đáp ứng thị hiếu của nhiều tầng lớp khách hàng, trong đó có giới trẻ.
Ông Ding Xiaokang, Trưởng bộ phận bán lẻ của Tập đoàn Vàng Sơn Đông, cho biết: "Chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động trao đổi và hợp tác với các trường đại học, những người thừa kế di sản văn hóa phi vật thể, và các tổ chức văn hóa nghệ thuật để nghiên cứu sâu hơn sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống với sự đổi mới trong thiết kế và kỹ thuật trang sức vàng, mang lại sức sống mới cho ngành công nghiệp vàng".
Giáo sư Wang Zhongwu của Học viện Triết học và Phát triển Xã hội, Đại học Sơn Đông, nói: "Không lâu trước đây, vàng bị xem là tượng trưng cho gu thẩm mỹ lỗi thời của các thế hệ trước, nhưng hiện giờ nó lại là 'tuyên ngôn bản sắc' của thế hệ Gen Z, thể hiện cả phong cách cá nhân và lòng trung thành với văn hóa truyền thống của giới trẻ".
Nơi trú ẩn an toàn
Vàng thường được coi là nơi trú ẩn an toàn trong những thời kỳ bất ổn tài chính hoặc chính trị, vì ít biến động hơn, rủi ro thấp hơn và không có nguy cơ trở nên vô giá trị.
Dữ liệu từ Sàn giao dịch vàng Thượng Hải cho thấy giá vàng nguyên chất 99,99% trở lên đóng cửa ở mức 479,59 nhân dân tệ/gram vào cuối tháng 12/2023, tăng 16,69% so với giá mở cửa vào đầu năm.
Xiong Xiong, chuyên gia tư vấn tài sản của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc ở tỉnh Quý Châu, cho biết kể từ năm 2021, doanh số bán sản phẩm vàng tại chi nhánh này đã tăng lên đáng kể, với doanh số khoảng 27,5 triệu nhân dân tệ (93,4 tỷ đồng) vào năm 2022 và khoảng 62,9 triệu nhân dân tệ (263,6 tỷ đồng) vào năm 2023, tăng hơn gấp đôi.
Để phục vụ xu hướng tiêu dùng vàng của giới trẻ, cuối năm 2023, ngân hàng đã tung ra các sản phẩm vàng có trọng lượng gram nhỏ, để những khách hàng có ngân sách eo hẹp tiếp cận được.
Liu Lianghui, 23 tuổi, đến mua vàng với khoản tiền tiết kiệm được sau 1 năm đi làm, cho biết: “Dựa trên diễn biến thị trường hiện tại, giá vàng tương đối ổn định và có thể tiếp tục tăng. Mua vàng lúc này là kênh đầu tư tốt hơn”.
Ông Ding đánh giá: "Thế hệ trẻ ngày nay có quan niệm đầu tư và quản lý tài chính vững chắc, họ lựa chọn vàng vì đặc tính giữ giá và ít rủi ro, góp phần thúc đẩy sự phổ biến của vàng".
Bình luận