• Zalo

Giới phân tích hoài nghi về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1

Thời sự quốc tếThứ Năm, 16/01/2020 06:31:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều nhà phân tích hoài nghi về việc thỏa thuận tạo ra điều gì đáng kể với thương mại Mỹ - Trung, thậm chí liệu thỏa thuận có được thực hiện đầy đủ hay không?

Trọng tâm thỏa thuận là cam kết của Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa và dịch vụ khác của Mỹ trong 2 năm. Trong đó bao gồm 50 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, 40 tỷ USD đến 50 tỷ USD cho các dịch vụ bổ sung, 75 tỷ USD cho hàng hóa lắp ráp và hơn 50 tỷ USD cho năng lượng.

Các quan chức hai bên tuyên bố thỏa thuận mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc, nhưng theo Reuters, thỏa thuận không giải quyết được nhiều khác biệt về cơ chế - điều khiến chính quyền ông Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại.

Các vấn đề này bao gồm các hoạt động trợ cấp công ty nhà nước lâu dài của Bắc Kinh và việc làm "tràn ngập" thị trường quốc tế với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Giới phân tích hoài nghi về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 - 1

Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump cho biết Trung Quốc cam kết hành động với vấn đề hàng lậu hàng giả, và thỏa thuận này bao gồm bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ. Trước đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói với Fox News rằng thỏa thuận sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong cả năm 2020 và 2021.

Giới phân tích hoài nghi

Một số nhà phân tích đã bày tỏ sự hoài nghi về việc thỏa thuận tạo ra điều gì đáng kể với thương mại Mỹ - Trung, thậm chí việc thỏa thuận có được thực hiện đầy đủ hay không cũng bị đặt dấu hỏi.

"Tôi thấy khó có khả năng tạo ra sự thay đổi căn bản trong chi tiêu của Trung Quốc. Tôi không kỳ vọng nhiều vào việc đạt được các mục tiêu đã nêu", Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư Tập đoàn Leutkeep tại Minneapolis cho biết.

Thỏa thuận Giai đoạn 1, hủy bỏ thuế quan theo kế hoạch của Mỹ đối với điện thoại di động, đồ chơi và máy tính xách tay do Trung Quốc sản xuất và giảm một nửa mức thuế suất xuống còn 7,5% đối với 120 tỷ USD các mặt hàng khác của Trung Quốc, bao gồm TV màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth và giày dép.

Nhưng mức thuế 25% đối với một lượng lớn hàng hóa và linh kiện công nghiệp Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD vẫn được duy trì.

Anahita Thoms, Trưởng phòng Thực hành Thương mại tại công ty luật Baker McKenzie ở Đức, cho rằng cả hai bên sẽ có mối quan tâm, và các thỏa thuận thương mại có thể tiếp tục với giai đoạn hai, ba và bốn trong những năm tới. Tuy nhiên, Thỏa thuận giai đoạn 1 không phải là một bước đột phá lớn.

"Cuối cùng, cuộc chiến thương mại tạo ra những kẻ thua cuộc. Mỹ thua vì giá cao hơn cho người tiêu dùng, trong khi Trung Quốc thua vì tổng khối lượng giao dịch giảm." Về lâu dài, tất cả sẽ thua vì tăng trưởng toàn cầu bị tác động tiêu cực khi hai nền kinh tế lớn nhất mâu thuẫn thương mại trong nhiều năm, bà nói.

"Hiện tại, Thỏa thuận giai đoạn 1 không tạo ra thỏa thuận một cách toàn diện. Ban đầu, mục tiêu là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, giảm bớt các vấn đề xung quanh việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, tiếp cận thị trường và trợ cấp. Chúng ta vẫn chưa đạt đến đó trong thỏa thuận."

Nick Marro, nhà phân tích tại Đơn vị tình báo kinh tế, cũng có những lo ngại về thỏa thuận này. Ông không tin rằng Trung Quốc có thể đáp ứng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa mỗi năm. Và thậm chí nếu có thể, điều gì xảy ra vào năm 2022 khi thỏa thuận hết hạn?

Marro lo ngại rằng cuộc chiến thương mại có thể bùng phát trở lại. Ông nói: "Cuộc chiến thương mại đã chứng minh những vấn đề của việc tiếp xúc quá mức với một thị trường duy nhất. Nhưng thay vì khuyến khích đa dạng hóa xuất khẩu, thỏa thuận thương mại có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc này thông qua các mục tiêu mua hàng.

Bởi vì phần lớn các giao dịch mua này sẽ đến thông qua nhu cầu được tạo ra một cách giả tạo, thay vì động lực thị trường. Khi khung thời gian hai năm kết thúc và Trung Quốc nghĩ về việc đa dạng hóa nhập khẩu, điều gì có thể xảy ra với nông dân Mỹ, những người đã tăng cường sản xuất trong nước vì mong đợi nhu cầu của Trung Quốc? Về giá trị bề mặt, nó không đáng khuyến khích như một khung thương mại hoàn toàn bền vững trong tương lai.

Thỏa thuận có ngôn ngữ khích lệ, nhưng các điều khoản của nó vẫn để lại những câu hỏi mở xung quanh các vấn đề cơ cấu nghiêm trọng trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Điều này, kết hợp với những khó khăn có thể xảy ra trong việc thực hiện nhiều cam kết, cho thấy có nguy cơ cao rằng thỏa thuận có thể sụp đổ vào cuối năm nay. Các công ty có thể cần phải xem xét nghiêm túc các kịch bản khi cuộc chiến thuế quan quay lại."

 

Phương Anh(Nguồn: Reuters, The Guardian)
Bình luận
vtcnews.vn