Bày tỏ quan điểm về việc thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, với địa hình trải dài, Việt Nam cần thiết có hệ thống đường sắt hiện đại.
“Vấn đề xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam từng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội trước đây nhưng sau đó lại bị bác bỏ. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư tốn kém, hơn nữa đề án lúc đó mới chỉ giải quyết nhu cầu vận tải khách mà chưa đảm bảo việc vận tải hàng hóa. Nhưng trong tình hình hiện nay và trong thời gian tới, tôi nghĩ việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại là cần làm. Hình thức vận tải này phù hợp với đặc trưng địa hình trải dài của nước ta”, Giáo sư Võ nói.
Thêm vào đó, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, hệ thống đường sắt Việt Nam hiện nay được cho là lạc hậu nhất thế giới. “Vẫn khổ 1m và chỉ có 1 tuyến, nên việc xây dựng đường sắt cao tốc là đúng”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Võ, vấn đề là xây dựng như thế nào cho đỡ tốn kém mà vẫn đạt hiệu quả trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn, thiếu về ngân sách, tỉ lệ vốn, ngân sách chi hàng năm chỉ đạt gần 30%. Việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc vừa hiện đại vừa tiết kiệm chi phí là cả một bài toán khó.
“Lựa chọn công nghệ là điều quan trọng vì phải đáp ứng được với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần giao cho các doanh nghiệp nước nhà thực hiện dự án nhưng tính đến nay đã có doanh nghiệp nội địa nào đứng ra nhận công trình chưa, năng lực của họ có đảm bảo? Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chí thì phải nhường sân cho doanh nghiệp nước ngoài. Đó là điều đương nhiên nhưng cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng”, Giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Theo ông, việc lựa chọn đối tác nào là điều rất quan trọng. “Đây cũng là vấn đề nhạy cảm. Nhưng tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn với nhau. Kinh nghiệm trước đây từng thực hiện nhiều dự án bằng vốn vay đã cho chúng ta nhiều bài học. Thực tế đã xảy ra nhiều chuyện ở nước này hay nước khác trong vấn đề đầu tư, giải ngân cho dự án. Việc lựa chọn đối tác cho các dự án trọng điểm là vấn đề mang tầm quốc gia. Chính phủ , Quốc hội cần có sự nghiên cứu, xem xét, lựa chọn đối tác là ai, với tiêu chí kỹ thuật, kinh nghiệm nào? Chúng ta cần sự thẳng thắn để đưa ra các kiến nghị đề xuất hợp lý”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết.
Cũng theo GS Võ, không cần phải đặt ra các tiêu chí đường sắt cao tốc phải chạy với vận tốc bao nhiêu là đủ tiêu chuẩn mà quan trọng là sự phù hợp với điều kiện địa hình của Việt Nam. “Cũng không nên gọi đây là công trình cao tốc hay “vừa tốc” mà quan trọng là khẳng định được vai trò của ngành đường sắt. Với một địa hình trải dài ven biển, cần có đường sắt hiện đại để kết nối hệ thống các cảng biển quan trọng thay cho phương tiện ô tô đắt đỏ và dễ gây tai nạn hiện nay.
“Chỉ cần làm phép so sánh về chi phí vận chuyển bằng máy bay giá rẻ hiện nay với chi phí vận chuyển bằng đường sắt hiện đại sẽ thấy được lợi ích của việc thực hiện dự án. Đây là bài toán chúng ta có thể tính được. Còn những thảo luận hiện nay về dự án này đều mang định tính, không phải định lượng. Đã tranh cãi về định tính thì muôn năm bất phân thắng bại”, Giáo sư Võ nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 2/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã có Tờ trình số 1281 trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường sắt cao tốc với tổng kinh phí 58,7 tỷ USD. Mới đây, dư luận dậy sóng khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư (cơ quan chủ lực tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực đầu tư) thông tin Bộ này đề xuất làm dự án đường sắt tốc độ cao 200km/h với tổng kinh phí 26 tỷ USD thay thế cho phương án do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trước đó.
Bình luận