Thông tin với VTC News, chị Phạm Thị Thùy, Giám đốc nhà máy Bánh gạo One One (thuộc Công ty Cổ phần New Rice) cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh số hàng hóa bán được của công ty giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, dù đầu vào nguyên liệu vẫn cao nhưng doanh nghiệp đã phải tìm các phương án để hạ thấp giá thành sản phẩm nhằm kích cầu sức mua.
"Tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn yếu. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trông chờ nhất vào dịp tết. Lúc đó hy vọng cải thiện được sức mua “ảm đạm” trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tình hình thế nào vẫn phải phụ thuộc vào tình hình tài chính của người dân. Nếu tiền lương vẫn thấp hay thu nhập không ổn định thì sức mua sẽ khó có thể đạt được như kỳ vọng”, chị Thùy nói.
Cùng chung chia sẻ, ông Đặng Xuân Khoa - Giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng Xuân Khoa (Mỹ Đình – Hà Nội) cho biết, giá vật liệu xây dựng đang giảm mạnh do ảnh hưởng của xu thế chung trên toàn thế giới. Mặc dù vậy sức tiêu thụ của ngành vẫn đang giảm vì nhu cầu xây dựng thấp. Một phần vì nhiều người không muốn xây nhà thời điểm mùa mưa bão. Ngoài ra, tác động từ việc nhiều dự án chưa thể triển khai hoặc đang triển khai dở dang thì phải dừng lại cũng là nguyên nhân khiến ngành vật liệu xây dựng gặp khó.
“Chủ đầu tư hết vốn, dòng tiền tiếp ứng còn chậm thì lấy đâu ra nguồn tài chính để thuê các nhà thầu xây dựng. Trong đời sống, người dân cũng đang khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự suy thoái chung của nền kinh tế thế giới, khiến họ hạn chế nhu cầu xây nhà, sửa nhà”, ông Đặng Xuân Khoa nói thêm.
Giờ đây, ngoài việc đối mặt với vấn đề doanh thu giảm sút, doanh nghiệp của ông Đặng Xuân Khoa còn đối diện với những gánh nặng từ lãi vay, chi phí nhân công, tiền thuê mặt bằng, thậm chí là nợ đọng từ những công trình còn dở dang của đối tác trước đó.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc hệ thống siêu thị Đức Thành cho biết, so với những năm trước, hiện hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã phủ đầy đến 90% ở các siêu thị. Tuy nhiên, lực mua so với mọi năm đều đang giảm. “Hệ thống siêu thị đã triển khai liên tục các chương trình để thu hút khách hàng như tặng voucher, giảm giá các mặt hàng mà lượng mua chỉ đạt 80 - 85% so với cùng kỳ năm trước”.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh sức mua yếu như hiện nay, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vốn đã khó lại càng khó thêm.
“Năm 2019, lợi nhuận trên sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đạt khoảng 10-15% thì đến nay con số đó đã giảm xuống chỉ còn 3-5%. Mức lợi nhuận này không đủ để cho họ trang trải tất cả các chi phí về lãi suất, nhân công, máy móc”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, quan sát trên thị trường hiện nay ai cũng thấy rõ nhiều chuỗi siêu thị, các trung tâm thương mại...lâm cảnh “trống vắng” khách hàng, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên theo ông Phú là do thu nhập của người dân còn tiếp tục khó khăn, cho nên các gia đình chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, sau đó là dành tiền cho tiết kiệm và dự phòng chung.
Một vấn đề khác, theo ông Phú, hàng hóa của Việt Nam hiện đang trải qua quá nhiều khâu trung gian làm đẩy giá lên từ 30 - 40% có khi tăng gấp đôi, gấp ba so với giá thành sản xuất. Giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao vô lý, mặc dù tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đây cũng là “nút thắt” làm cho sức mua bị ảnh hưởng, đồng thời tác động ngược trở lại đến sức sản xuất hàng hóa xã hội, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, có lúc gây ra ứ đọng phải “giải cứu”.
Bình luận