Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho biết, hiện nay, tình hình kinh tế có dấu hiệu suy giảm. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng 25%, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 2%.
Phân tích tình hình hiện nay, ông Ngân dẫn báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội số lao động mất việc làm, cắt giảm giờ lao động trong thời gian gần đây rất lớn, khoảng hơn 500.000 lao động. Nếu kinh tế tăng trưởng dưới 3% thì thất nghiệp gia tăng và an sinh xã hội bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo đại biểu, tính đến thời điểm hiện tại, sau 1,5 năm thực hiện Nghị quyết 43, chúng ta mới giải ngân được 87.300 tỷ đồng trong tổng gói 301.000 tỷ đồng (chiếm 29%). Trong khi đó, gói này chỉ có thời hạn 2 năm, thời hạn thực hiện nghị quyết không còn nhiều.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xây dựng thêm gói hỗ trợ khẩn cấp hơn đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người thân mất trong dịch COVID-19...
"Hiện tổng cầu trong nước và thế giới đều đang suy giảm, các siêu thị khuyến mại rất nhiều nhưng ít người mua, doanh thu khó", ông nêu dẫn chứng .
Đại biểu ủng hộ Quốc hội chọn chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.” Tuy nhiên, nếu chờ đến đợt giám sát 2024 mới hoàn thành và đưa ra giải pháp xử lý, bổ sung thì đã muộn.
Liên quan đến chính sách tài khoá trong Nghị định 43, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, gói tài khóa, tiền tệ này có thể áp dụng đối với kỳ tăng lương tới. Nếu tăng lương chưa thỏa đáng cho cán bộ, công chức mà không có các chính sách đi kèm có thể sẽ dẫn tới lạm phát.
Theo ông, việc tăng lương sẽ gây nên lo lắng cho một số bộ phận cử tri, nhân dân là không được tăng lương sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Mặt khác, cần có chính sách tài khóa, tiền tệ tương tự như Nghị quyết 43 để việc tăng lương sẽ bền vững và kích thích phát triển kinh tế, tạo sự yên tâm trong cán bộ, công chức.
Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát:
Chuyên đề 1: Thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Bình luận