• Zalo

Gặp người đàn ông có 18 con và người đàn bà đẻ 17 lần

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 09/12/2011 06:52:00 +07:00Google News

Nhiều cặp vợ chồng ở Co Mạ được gọi với cái tên đáng để quên: "siêu đẻ". Có người có tới 20 con, con cái cháu chắt chiếm nửa bản.

Những câu chuyện sau đây đã cũ. Cũ đến mức dường như người ta cũng chẳng buồn nhắc tới hoặc có nhắc thì cũng chỉ như nước chảy dưới chân cầu. Và có lẽ, chính vì thế mà những kỉ lục buồn vẫn âm thầm được lập ở vùng Tây Bắc này.

Nhiều cặp vợ chồng ở xã Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La) được gọi với cái tên đáng để quên: "siêu đẻ". Có người có tới 20 con; khi con cái lấy vợ, lấy chồng thì đại gia đình họ chiếm cả nửa bản.

Phải có con trai

Từ thị trấn Thuận Châu, hết lên dốc xuống đèo cung đường Thuận Châu - Co Mạ hơn 45km, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã. Tại đây, hỏi về người đàn ông có 2 vợ 18 con và một cặp vợ chồng đẻ 17 người con không ai không biết. Một người dân cho hay: “Ở xã này tiếng tăm hai ông ấy nổi như cồn, đứa con nít còn biết huống gì người lớn”. Rồi họ cho biết, cứ đi theo đường về xã Cọ Mạ - Long Hệ khoảng 4km hỏi nhà ông Và Chừ Tủa ở bản Co Nghệ B, còn nhà ông Và Giống Già bản Cha Lại B. 

Ông Và Chừ Tủa cùng hai bà vợ và con cháu

Cuộc “viếng thăm” không hẹn trước, gặp ông Tủa (60 tuổi) ngồi trước cửa. Thấy chúng tôi, ông rất e ngại, rồi nói: “Cán bộ đến chỉ trích tôi à. Tôi có 2 vợ và 21 đứa con đấy nhưng ông trời không cho tôi nuôi 3 đứa, chỉ còn 18 đứa nữa thôi. Tôi bị vỡ kế hoạch mà”.

Sau một hồi thuyết phục thì ông Tủa sẵn lòng chia sẻ. Năm 20 tuổi, ông kéo bà Vừ Thị Cá (SN 1953) ở bản Lão Hạ, xã Co Mạ về làm vợ. Sau 9 năm chung sống, bà Cá sinh liên tiếp cho ông Tủa 6 người con gái. “Người Mông là phải có con trai, không có con trai lấy đâu ra người nối dõi, thờ cúng mình. Đẻ toàn con gái mình buồn lắm cán bộ ạ!”, ông Tủa tâm sự.

Vào năm 1982, ông Tủa kéo bà Vừa Thị Sé (SN 1964) ở cùng bản về làm vợ hai. Từng ấy năm trời sống với ông Tủa, bà Sé đã sinh hạ cho ông 12 người con. Hai bà vợ, với 18 người con sống trong một căn nhà 5 gian. Ông Tủa cho biết: “Nhà đông người nên phải làm rộng thế này mới đủ chỗ ngủ, mùa đông chúng ngủ chung thì còn đỡ chứ mùa hè nóng thì bao nhiêu giường cho đủ”.

Tôi hỏi: “Sao đẻ nhiều thế?”. Ông Tủa hồn nhiên trả lời: “Ồ mình muốn đẻ nhiều kiếm con trai mà, vợ mình cũng muốn nữa. Ngủ với vợ phải đẻ chứ”. Rồi ông chỉ tay về mấy đứa bé đang trần truồng bấu víu vào bà Se: “Đấy! Cán bộ xem, nuôi chúng nó dễ lắm. Quần áo thì cứ theo thứ tự thôi. Anh, chị mặc chật lại để cho em, có rách vai hay thủng đít thì vá lại. Nhưng chúng nó biết giữ lắm, có bộ qua mấy đứa rồi mà vẫn mặc được”.

Năm nay đã bước sang 47 tuổi nhưng bà Se đang nuôi đứa con Và A Dũng chưa đây 2 tuổi đang còn bú mẹ. Hằng ngày bà địu con lên nương. “Không làm thì lấy cái gì bỏ vào miệng các con, những hôm con dâu ở nhà thì mình gửi thằng Dũng cho nó. Các cháu cũng vậy, mẹ nó lên nương thì tôi chăm và cho các cháu ăn. Có những hôm mẹ các cháu đi làm chưa về, con khóc thì tôi lại cho chúng bú”, bà Se nói.

Bà Vừa Thị Sé cùng những đứa con nheo nhóc, rách rưới

Mỗi ngày cả nhà lên nương thì hai bà đã thức dậy từ sáng sớm nấu ít ngô, xôi đặt bên bếp. Khi bọn nhỏ đang còn ngủ thì ông Tủa và hai bà cùng những đứa con lớn đã lên nương, đến tối mới về. Ông Tủa cho biết: “Mình nấu để đó, đứa nào đói vào lấy mà ăn, chứ ai ở nhà mà giúp bọn nó. Hai đứa con nhỏ nếu không mang lên nương thì gửi cho con dâu ở nhà”.

Tại mỗi căn nhà, ông Tủa chia làm hai khu: Khu nữ, khu nam. Các con ông Tủa tự ăn, tự ra suối tắm nếu có thể, rồi đi ngủ và bảo ban nhau theo “điều lệ” của anh chị lớn hơn ban hành. Điều mà ông Tủa lo nhất hiện nay là phải cưới vợ cho đám trẻ tuổi ngoài đôi mươi của mình. “Con trai, con gái lớn rồi phải lấy chồng hỏi vợ, mỗi đám cưới tốn tiền lắm, con gái thì ăn một ngày, con trai thì ăn hai ngày, hết khối tiền”, ông Tủa than thở.

Gặp người 21 lần sinh nở

Rời nhà ông Tủa, chúng tôi vào bản Cha Lại B, thăm vợ chồng ông Và Giống Già có 17 người con. Hiện ở xã Co Mạ chưa có ai vượt qua mốc đẻ nhiều con như vợ chồng ông Già. Gặp ông, tôi hỏi: “Nghe đâu hai vợ chồng ông hiện đang giữ chức “quán quân” đẻ nhiều”. Ông Già tỏ ra rất vui vẻ: “Đúng rồi đó, ở đây không ai địch được vợ chồng tôi đâu, không tin cứ nhìn những ngôi nhà xung quanh bản này của con tôi hết đấy”. Tôi hỏi tiếp: "Mọi người trong xã khoe ông có tới 17 người con?”. Ông Già quay ngoắt lại phản đối: “Vợ tôi sinh tới 21 đứa nhưng mất 4 chết đứa rồi”.

Vợ chồng ông bà Giống Già cùng những đứa cháu

Nói về chuyện có nhiều con, ông Già chống chế: “Tôi có một bà vợ thôi nhưng bà ấy đẻ khoẻ lắm”. Hỏi tên, tuổi những đứa con, ông thật thà: “Không nhớ, không biết”. Hỏi tiếp: “Vậy ông có nhớ tên đứa nào không?”. “Có chứ! Tên của chúng nó là mình đặt mà! Nhưng chỉ nhớ tên thôi còn tên ấy của đứa nào thì không biết đâu". Tôi hỏi tiếp có ai đi học không? “Đói nghèo triền miên và chuyện học khó lắm. Ăn còn không đủ, nói chi học”. Lần này ông trả lời ngượng nghịu hơn.

Bà Già Thị Giồng, vợ ông Già, chỉ biết khi bà 21 tuổi thì ông Già đã kéo bà về làm vợ và sinh cho ông một đàn con. Mặc dù, ông Già không nhớ hết tên con nhưng bà Giồng thì nhớ rất rõ. Rồi bà liệt kê ra từng tên cho chúng tôi ghi rồi “chốt” lại danh sách 17 đứa, gồm 8 con gái và 9 đứa con trai.

Ông Tủa cho biết: "Khi mình cưới vợ hai, xã phạt 200 ngàn đồng. Mình biết là luật pháp không cho phép nhưng nó ưng cái bụng mình rồi thì xã không cho mình cũng cưới trộm. Cưới vợ cả thì tổ chức ăn to, mời cả bản ăn mấy ngày liền, còn cưới vợ hai, vợ ba... làm mâm cơm cúng ma là được".

Thăm ngôi nhà của ông bà, nhìn quanh chẳng thấy có gì đáng giá ngoài ít ngô đang được để trong nhà và mấy cái giường cho các con nằm. Từ trước đến nay vợ chồng có 2ha trồng ngô, trồng lúa nên năm nào cũng đói dài. Khi nào hết ăn thì vào rừng hái rau về nấu ăn, lúa ngô chỉ ăn nửa mùa là hết. Đàn con của ông chẳng được học hành suốt ngày lên nương rẫy.

"Noi gương" người cha, các con ông Già sau khi lập gia đình và ra ở riêng cũng sòn sòn…đẻ. Những ngày lễ tết, con cháu ông đổ về như trẩy hội. Đến nay ông Già đã có trên dưới 40 người con, cháu. Trong đó, có hai đứa cháu bằng tuổi con bà là sinh vào năm 1987. Nhưng đã có mấy người cháu của ông ở độ tuổi cũng đã lấy vợ, lấy chồng và ông bà đã lên chức cụ.

Rời xã Co Mạ đầy khó khăn này, hình ảnh về những ngôi nhà mọc san sát, con cháu ông Già nghèo đói, thất học, cùng câu chuyện về vợ chồng ông Già "siêu đẻ", cứ ám ảnh chúng tôi trên suốt quãng đường. Ngoảnh lại phía sau, ngôi làng cứ mờ dần rồi như ẩn mình dưới núi như vợ chồng ông Già, ông Tủa và các con ông bà đang chìm vào một tương lai mịt mù...

Đắc Thành - NNVN


Bình luận
vtcnews.vn