• Zalo

FED tăng lãi suất, tác động thế nào đến lãi suất và tỷ giá?

Tài chínhThứ Năm, 17/03/2022 11:51:41 +07:00Google News

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 3 năm, phát tín hiệu 6 lần tăng tiếp theo.

FED tăng lãi suất sau 3 năm

Cụ thể (đêm 16/3 giờ Việt Nam), FED đã phê duyệt đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn ba năm, một động thái mạnh mẽ nhằm giải quyết cú sốc lạm phát đang đeo bám nền kinh tế lớn nhất thế giới.

FED tăng lãi suất, tác động thế nào đến lãi suất và tỷ giá? - 1

 

Đây là một động thái nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát Mỹ tăng nóng mà không gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế buộc FED phải hành động tăng sớm lãi suất USD. 

Lãi suất hiện tại đang ở phạm vi 0,25-0,5% và đưa chi phí tài chính của một số hình thức đi vay lên cao hơn ví dụ như vay tiêu dùng và tín dụng. Các quan chức FED cho biết, việc nâng lãi suất cũng đi kèm với kết quả là tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc trong năm nay.

Ngoài ra, FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang) cũng đưa ra tín hiện về lộ trình 6 lần nâng lãi suất trong năm nay và mức tăng đồng thuận đến cuối năm nay sẽ là 1,9%. Con số này cao hơn so với ước tính của cơ quan này vào tháng 12.

FOMC dự kiến sẽ thực hiện 3 lần nâng lãi suất nữa vào năm 2023 và không tiếp tục vào năm sau đó. Các thành viên FOMC nâng ước tính lạm phát của Mỹ.

Dự đoán chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) không bao gồm thực phẩm và năng lượng sẽ tăng 4,1% trong năm nay, so với dự báo 2,7% vào tháng 12/2021. PCE lõi dự kiến tăng lần lượt 2,7% và 2,3% trong 2 năm tới, sau đó giảm xuống 2% trong dài hạn.

FED đã đình chỉ việc tăng lãi suất cho đến năm 2021 khi lạm phát tăng lên, kỳ vọng giá cả sẽ hạ nhiệt khi tác động của kích thích tài khóa giảm dần và chuỗi cung ứng bắt đầu hoạt động trở lại. 

Nhưng sự xuất hiện của các biến thể Delta và Omicron đã làm trầm trọng thêm nhiều nguồn lực. Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine và bùng phát COVID-19 gần đây ở Trung Quốc cũng đe dọa sẽ làm tăng giá thực phẩm và năng lượng nhiều hơn.

Chủ tịch FED Jerome Powell đã hàm ý rằng, kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể bắt đầu vào tháng 5 và quá trình này có thể tương đương với một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay.

Theo chủ tịch FED, cơ quan này đang rất lưu tâm đến rủi ro lạm phát leo thang và kỳ vọng lạm phát. FOMC quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định giá cả. Nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh mẽ và phù hợp để Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Tác động ra sao đến lãi suất, tỷ giá VND?

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn đưa ra nhận định, việc Fed tái tăng lãi suất USD trở lại cũng không tác động nhiều đến lãi suất trong nước và cầu nội địa.

Tỷ giá được kiểm soát linh hoạt và ổn định trong nhiều năm nay. Hiện lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ vẫn được ngành ngân hàng khống chế ở mức 0% và dần chuyển dịch từ quan hệ vay - mượn ngoại tệ sang mua bán.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tương đối lớn. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiền đồng hiện nay so với lạm phát thì người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương, song nhiều khả năng lãi suất tiền gửi VND sẽ nhích lên trong 2022. 

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành, Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, việc tăng lãi suất của Fed trong năm 2022 cũng đã có lộ trình rõ ràng trước đó, nhưng với mức tăng không quá lớn, chỉ 0,25%.

Như vậy, kế hoạch tăng lãi suất của FED đã rõ nên thị trường cũng tính toán vào các mức lãi suất hiện nay. 

Theo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2022 của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cùng xu hướng của các cặp tỷ giá giữa USD và các đồng tiền châu Á khác khi FED bắt đầu tăng lãi suất vào năm sau.

Cụ thể, UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.100 trong quý I/2022, 23.200 trong quý II/2022, 23.300 trong quý III/2022 và 23.400 trong quý IV/2022.

VND đã tăng giá so với USD trong cả năm qua và tăng nhanh nhất sau khi Việt Nam đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 7/2021 với cam kết không cố tình làm suy yếu VND nhằm đạt được lợi thế xuất khẩu.

Sau khi FED tăng thêm 0,25% lãi suất USD, sáng nay Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 21 đồng/USD, xuống còn 23.167 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.800 đồng/USD, giảm 10 đồng.

Giá USD tại các ngân hàng thương mại không thay đổi, Vietcombank mua vào ở mức 22.710 - 22.740 đồng/USD và bán ra 23.020 đồng/USD.

Còn tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch mức 23.440 đồng/USD và 23.520 đồng/USD.

(Nguồn: Báo Đầu Tư)
Bình luận
vtcnews.vn