2h sáng, chị Nguyễn Thu Hà (27 tuổi, quê Hải Dương) nằm quay bên này, quay bên kia mãi không thể ngủ. Chị bật dậy mở điện thoại và tìm kiếm trên Internet cụm từ: “Phương pháp cải thiện tình trạng mất ngủ khi mắc COVID-19”. Sau đó chị mở bản nhạc nhẹ, thực hành ngay phương pháp tập thiền trên giường. Dẫu vậy chị cũng không thể nào chợp mắt nổi. Có hôm đang ngủ chị lại tỉnh giấc và không thể ngủ lại.
Chị xuất hiện các biểu hiện như cổ họng ngứa rát, hắt xì hơi liên tục, ho nhẹ, chân tay hơi nhức mắt đỏ hôm 6/3, test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Ngày thứ 2, chị bắt đầu mệt mỏi, sốt cao, mắt đỏ hơn, nóng lạnh bất thường, kèm theo ho nhiều chóng mặt, đặc biệt mất ngủ trầm trọng. Những tưởng triệu chứng này sẽ biến mất theo thời gian nhưng đến nay đã 9 ngày chị chưa thể có giấc ngủ đủ 4 tiếng.
Chị Hà đang là biên tập viên một trang tin. Đặc thù công việc khiến cô vẫn phải làm việc online trong thời gian điều trị COVID-19. Việc mất ngủ kéo dài, khiến chị luôn ở trong trạng thái “ngẩn ngơ”, không thể tập trung làm được việc gì. Vừa ngồi máy tính được 10 phút chị đã thấy hoa mắt, gục đầu xuống bàn. 9 ngày chị giảm 2kg.
Đầu tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Mười (50 tuổi, ở Hà Nội) mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ. Ngày đầu sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bà hơi sốt nhẹ và mỏi mệt dù vậy người bệnh vẫn có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Những ngày tiếp theo đó, bà gần như thức trắng. Đêm nào bà cũng trằn trọc trở mình qua lại, trống ngực đập thình thịch. "Tôi đã cố gắng thả lỏng cơ thể, uống trà an thần, thuốc ngủ thảo dược nhưng tình trạng không cải thiện", bà nói.
Trước giai đoạn điều trị COVID-19, sức khỏe thể chất và tinh thần của bà khá tốt, "đặt lưng xuống giường là ngủ". Nhưng từ khi bị COVID-19, giấc ngủ của bà bị ngắt thành nhiều quãng nhỏ, dài 1-2 giờ. Trung bình mỗi ngày bà ngủ được 3-4 tiếng. Thiếu ngủ nên cơ thể luôn uể oải, thâm quầng hai mắt, da sạm đi. Người phụ nữ tuổi 50 trở nên nhạy cảm hơn, những tiếng động như tiếng ti vị, trẻ con nô đùa cũng làm bà khó chịu.
Để cải thiện tình trạng này, bà mua một hộp thuốc ngủ thảo dược, hộp 30 viên, giá 70.000 đồng. Mỗi ngày uống một viên, nhưng cũng chỉ được 1-2 ngày đầu, rồi lại gần như thức trắng đêm. Đến nay, dù khỏi COVID-19, nhưng triệu chứng mất ngủ vẫn đeo bám dai dẳng gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người phụ nữ này.
Rất nhiều F0 và sau khi khỏi bệnh lâm tình trạng mất ngủ, giấc ngủ chập chờn, ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt thường ngày. Không chỉ ở Việt Nam mà theo các trên thế giới các nghiên cứu cũng chỉ rõ hiện tượng này ở người mắc COVID-19 và hậu COVID.
Theo BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM), mất ngủ trong thời gian mắc COVID-19 là chuyện bình thường. Tình trạng mất ngủ có thể diễn ra trong thời gian bị COVID-19, cũng có thể xuất hiện hậu COVID-19.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do stress. Vì vậy, mọi người cần làm những việc lành mạnh, mang lại niềm vui, tiếng cười, sự thoải mái cho bạn để giải tỏa stress. Nếu mất ngủ, căng thẳng, nhức đầu thì hãy uống thuốc thảo dược phù hợp, không việc gì phải chịu đựng cơn khó chịu để rồi stress thêm.
Ngoài ra, người bệnh cần chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động khoa học, điều độ. Mọi người cần tập thói quen ngủ 6-8 tiếng/đêm và cố gắng đi ngủ - thức dậy vào cùng một giờ như nhau vào tất cả các ngày trong tuần. Nên ngủ trước 23 giờ.
Bên cạnh đó, trước khi ngủ cần giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Bạn cũng có thể ngâm chân hoặc thiền 30 phút trước khi ngủ.
Một bác sĩ khác chia sẻ thêm, trong tình trạng mất ngủ kéo dài, người bệnh có thể dùng thuốc an thần nhẹ, nhưng phải do bác sĩ chuyên khoa kê đơn.
Bình luận