• Zalo

F0 khỏi bệnh liên tục thức trắng đêm, bác sĩ chỉ cách cải thiện mất ngủ

Covid-19Thứ Ba, 15/02/2022 07:16:20 +07:00Google News

Rối loạn giấc ngủ sau nhiễm COVID-19 thường xảy ra với các biểu hiện, cảm giác khó đi vào giấc ngủ, không ngủ được, ngủ hay thức giấc hoặc dậy sớm nhưng mệt mỏi...

Tháng 1 vừa qua, anh Lê Thành (Hà Nội) mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ. 2 ngày đầu sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, anh hơi sốt nhẹ và mỏi mệt dù vậy người bệnh vẫn có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường.

5 ngày sau, anh Thành âm tính. Tuy nhiên những triệu chứng sau khi khỏi COVID mới khiến anh Thành lo lắng. 4 ngày tiếp theo đó, anh gần như thức trắng suốt đêm. “Đêm tôi nằm thao thức thử nhiều cách nhưng không thể ngủ được. Tôi có uống rượu vang để giúp dễ ngủ hơn nhưng người càng mệt mỏi. Đến gần sáng, do mệt quá tôi mới thiếp đi được một lát”.

Bị mất ngủ sau khi khỏi COVID, anh Thành rất lo lắng bởi sợ triệu chứng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc. Ngoài mất ngủ, cơ thể anh cũng rất mỏi mệt.

F0 khỏi bệnh liên tục thức trắng đêm, bác sĩ chỉ cách cải thiện mất ngủ - 1

Điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo nhiều bác sĩ, các triệu chứng hậu COVID-19 có thể xuất hiện ngay sau khi khỏi bệnh nhưng cũng có nhiều trường hợp sau 4 tuần mới xuất hiện. Những rối loạn này có thể kéo dài trong 4 tuần, thậm chí đến 6 tháng.

Bên cạnh những triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, đau đầu, ho, khó thở, rụng tóc, mất mùi vị… thì tình trạng giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, hay rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ… cũng xảy ra với F0 đã âm tính.

Việc bị thiếu ngủ, ngủ không ngon khiến chất lượng cuộc sống giảm sút (gia tăng mệt mỏi, giảm minh mẫn, buồn ngủ vào ban ngày, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, căng thẳng lo âu...), dẫn đến trầm cảm, các bệnh lý tâm thần khác. 

Theo Ths.BS Nguyễn Quang Hòa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương, rối loạn giấc ngủ sau nhiễm COVID-19 thường xảy ra với các biểu hiện, Cảm giác khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được, ngủ hay thức giấc hoặc dậy sớm nhưng mệt mỏi...

Các lý do dẫn đến triệu chứng này bao gồm: Thiếu ánh sáng tự nhiên dẫn đến não giảm tổng hợp Melatonin (là chất giúp chúng ta cảm giác buồn ngủ); do dùng các loại thuốc; do môi trường bệnh viện; các trải nghiệm xấu trong quá trình nhiễm COVID; các dấu hiệu của bệnh gây nên sợ hãi, sự sợ hãi làm đặt cơ thể vào tình trạng cảnh giác cao độ nên căng thẳng, gây khó ngủ.

Về hướng xử trí, Ths.BS Nguyễn Quang Hòa chia sẻ, người bệnh cần thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục. Cụ thể:

- Buổi chiều: Không uống cà phê, rượu, trà; tránh ăn quá no hoặc tập thể dục nặng trong vòng 2h trước khi đi ngủ.

- Trước khi đi ngủ: Tạo thói quen trước khi ngủ như giảm ánh sáng, điều chỉnh nhiệt độ và tiếng ồn; thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc...

- Thời gian ngủ: Duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn; phòng ngủ bỏ hết các loại có màn hình ra khỏi phòng ngủ (TV, điện thoại, Ipad...)

- Trong khi ngủ: Đừng chăm chăn nhìn đồng hồ; nếu thức quá 20 phút, bạn hãy ra khỏi giường và quay lại giường khi buồn ngủ, đừng nằm trên giường. Bạn đừng lo lắng về giấc ngủ, càng lo thì càng mất ngủ.

BS Nguyễn Quang Hòa cũng đưa ra các vấn đề cần lưu ý:

- Ngủ và dậy đúng giờ, kể cả ngày nghỉ.

- Để 1 cuốn sổ cạnh giường, ghi lại những điều bạn nghĩ đến; điều này giúp bạn ngừng nghĩ đến nó và ngủ tiếp.

- Phòng ngủ nên để nhiệt độ lạnh hơn là để nóng.

- Chúng ta nên tránh để bụng đói, khát khi đi ngủ.

“Kiên trì và lạc quan sẽ giúp các bạn dần dần cải thiện giấc ngủ và đưa cơ thể trở lại trạng thái ban đầu”, Ths.BS Nguyễn Quang Hòa cho biết.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn