Hungary - một trong những nước phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu từ Nga, đã nhiều lần khẳng định họ sẽ không đồng ý với các lệnh trừng phạt liên quan đến năng lượng nhằm vào Moskva. Slovakia cũng nằm trong số các quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Để thống nhất khối 27 quốc gia và nhanh chóng đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 6, Ủy ban châu Âu có thể miễn trừ Slovakia và Hungary hoặc cho phép hai nước này có “thời gian chuyển tiếp dài” đối với lệnh cấm vận dầu Nga.
Dự kiến, các nước thành viên của liên minh sẽ nhận được đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 vào ngày 3/5 và bắt đầu tranh luận vào ngày 4/5. Thỏa thuận chính thức về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga có thể được đưa ra trong tuần.
Theo các quan chức Slovakia và Hungary, lệnh cấm vận dầu có thể được thực hiện theo từng giai đoạn và nhiều khả năng sẽ được triển khai hoàn toàn từ đầu năm tới.
Trước đây, khoảng một nửa sản phẩm dầu của Nga được xuất khẩu sang Châu Âu và mang lại cho Moskva khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhiều nước như Latvia và Ba Lan cho rằng cần cắt giảm nguồn thu này để hạn chế nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Nhìn chung, Liên minh châu Âu nhập khẩu tới 26% nhu cầu dầu từ Nga. Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, các nước EU đã chi trả gần 21 tỷ USD cho năng lượng Nga kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.
Cả Slovakia và Hungary đều nằm trên tuyến đường phía Nam của đường ống Druzhba dẫn dầu của Nga đến châu Âu. Hai nước này nhập khẩu lần lượt 96% và 58% lượng dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga vào năm ngoái, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Gần đây, một nhà nhập khẩu năng lượng lớn của của Nga ở EU là Đức đã tuyên bố ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ, dù ban đầu Berlin từ chối ký vào lệnh này vì lo ngại các thiệt hại kinh tế. Hôm 2/5, Bộ Kinh tế Đức cho biết nước này đã giảm số dầu thô nhập khẩu của Nga từ 35% vào năm 2021 xuống còn 12% trong năm nay.
Bình luận