Nhằm đạt được mục tiêu giảm phụ thuộc vào Nga, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách Thỏa thuận xanh châu Âu Frans Timmermans cho biết EU có thể tăng cường nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nguồn khác, thúc đẩy việc sản xuất năng lượng tái tạo và cắt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng.
“Nếu chúng ta tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, kết hợp với tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung thì vào cuối năm nay, chúng ta đã có thể giảm 2/3 sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga”, ông Timmermans nói.
Theo Financial Times, dự thảo của kế hoạch sẽ được công bố vào ngày 8/3. Trong đó, EU đặt mục tiêu tăng công suất lưu trữ khí đốt từ 30% lên 80% vào ngày 30/9.
Liên minh châu Âu cũng sẽ tăng cường nhập khẩu khí đốt từ các nguồn khác ngoài Nga - bao gồm 10 tỷ m3 khí đốt từ các nước như Azerbaijan và 50 tỷ m3 LNG từ Qatar, Ai Cập, Australia.
Ông nói thêm, EU có thể tăng gấp đôi sản lượng khí sinh học từ 17 tỷ m3 lên 35 tỷ m3 vào năm 2030, đồng thời tăng cường sử dụng nhiên liệu thay thế hydro lên 4 lần - tương đương với khoảng 20 tấn. Hành động này có thể giúp khu vực cắt giảm 50 tỷ m3 nhu cầu khí đốt.
Bên cạnh kế hoạch cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu của Nga, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu cho rằng EU có thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu bằng cách cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Hiện Nga là nước cung cấp 40% lượng khí đốt cho EU. Ý, Đức và một số nước Trung Âu đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung này. Moskva cũng nắm giữ khoảng 25% nhu cầu dầu thô của liên minh châu Âu.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá dầu đã vượt mức 100 USD/thùng, kéo theo giá khí đốt tự nhiên cũng tăng cao. Vì vậy, các nước châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Tuần trước, các bộ trưởng năng lượng từ châu Âu đã họp mặt tại Brussels để thảo luận về cách cắt giảm nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu từ Nga.
“Châu Âu có đủ lượng khí đốt và dầu dự trữ để ứng phó với sự gián đoạn ngắn hạn. Tuy nhiên chúng ta sẽ gặp khó khăn về nguồn cung năng lượng dài hạn”, Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Pháp Barbara Pompili cho biết.
Video: Bản tin chiến sự Ukraine ngày 7/3
Bình luận