Theo tờ Politico, vài ngày sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, EU cho biết họ sẽ bồi hoàn cho các quốc gia thành viên đã cung cấp vũ khí cho Chính phủ Ukraine. Cụ thể, Brussels đã thành lập quỹ và phân bổ khoản ngân sách trị giá 487,3 triệu USD để khuyến khích các nước EU viện trợ quân sự cho Kiev. Sau khi xem xét các hoá đơn đầu tiên đệ trình lên EU, Brussels xác định họ có thể chi trả khoảng 85% yêu cầu bồi hoàn.
Sau đó, EU đã mở rộng quỹ, tăng ngân sách lên 1,46 tỷ USD. Nhưng theo các nhà ngoại giao giấu tên, EU đã nhận được quá nhiều yêu cầu bồi hoàn, đến mức họ tính toán rằng Brussels hiện chỉ có thể đáp ứng 46% yêu cầu bồi hoàn của các nước thành viên.
Các nguồn tin tiết lộ Ba Lan đã vô cùng tức giận khi mức bồi hoàn giảm mạnh. Nước này là một trong những nhà tài trợ vũ khí lớn nhất của EU cho Ukraine và là nước đầu tiên muốn được bồi hoàn. Theo các nhà ngoại giao, Warsaw đã nộp các hoá đơn vũ khí trị giá 1,75 tỷ USD cho EU. “Đối với họ, dưới 50% là quá ít”, một nhà ngoại giao nhấn mạnh.
Ba Lan đã ngăn chặn thỏa thuận cuối cùng về các khoản bồi hoàn trong nhiều ngày, hy vọng có thể thương lượng để nhận lại khoản tiền lớn hơn. Song các nguồn tin cho biết sự đình trệ đó đã khiến một số quốc gia thành viên tỏ ra thất vọng, cho rằng Warsaw đứng giữa cản trở họ và các khoản thanh toán của EU. Cuối cùng, hôm 12/10, Ba Lan đã phải chấp thuận với khoản bồi hoàn 46%.
Theo Politico, kế hoạch bồi hoàn có nguy cơ làm tổn hại đến uy tín của EU với tư cách là một đối tác quân sự đáng tin cậy, trong bối cảnh Kiev đang nỗ lực kêu gọi các châu Âu tăng cường cung cấp vũ khí để phản công và đối phó với cuộc tấn công mới của Nga.
Hiện tại, các cường quốc EU như Đức và Pháp đang phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề vì viện trợ ít ỏi cho Ukraine, trong khi một số quốc gia nhỏ hơn nói rằng họ đang cạn kiệt nguồn cung.
Giới phân tích đánh giá quỹ bồi hoàn vũ khí của EU là giải pháp thông minh của EU trong thời kỳ đầu chiến sự. Các hiệp ước của EU đã cấm sử dụng ngân sách thông thường của khối để tài trợ cho các hoạt động quân sự gần kề. Vì vậy, các quan chức đã khai thác gói hỗ trợ mang tên “Cơ sở Hòa bình châu Âu” - một công cụ tài chính nằm ngoài ngân sách thông thường, để giúp đẩy nhanh chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Theo đó, các quốc gia EU sẽ đóng góp vào quỹ và ủy ban đại diện cho mỗi quốc gia sẽ đưa ra quyết định về cách giải ngân số tiền đó.
Về mặt lịch sử, quỹ này chủ yếu được sử dụng cho các sáng kiến quy mô nhỏ hơn - như tài trợ cho quân đội của Gruzia hoặc hỗ trợ sứ mệnh huấn luyện của EU ở Mozambique. Nhưng hiện nay, quỹ bồi hoàn đang hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.
Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng các hệ thống phòng không hiện là ưu tiên mới trong mối quan hệ hợp tác giữa Kiev với các nước phương Tây, trong bối cảnh Nga tiến hành tấn công mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraine từ đầu tuần này.
Về phần mình, Moskva từ lâu đã chỉ trích việc Mỹ, EU, Anh và các nước khác chuyển giao vũ khí cho Ukraine,chỉ kéo dài cuộc xung đột và làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Bình luận