Hôm 14/10, Tổng thống Joe Biden ủy quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ "chỉ đạo việc dành ra khoản viện trợ lên tới 725 triệu USD về dịch vụ quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng như đào tạo và huấn luyện quân sự" để viện trợ cho Ukraine.
Số vũ khí này sẽ được lấy từ kho vũ khí của Lầu Năm Góc. Gói viện trợ mới này sẽ bao gồm đạn dược dành cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, hàng ngàn viên đạn pháo 155mm và hơn 200 xe ô tô Humvee. Gói viện trợ sẽ không bổ sung vũ khí phòng không.
Giới chức Mỹ cho biết, dù không cung cấp các khí tài đánh chặn tên lửa, gói viện trợ dự kiến được thiết kế nhằm tăng cường khả năng của Ukraine trong những tuần phản công gần đây.
Mỹ và đồng minh NATO cam kết thúc đẩy năng lực phòng không của Ukraine sau khi Nga tập kích dữ dội bằng tên lửa vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine vào các ngày 10-11/10.
Mỹ là nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, cung cấp cho nước này hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính, cũng như dữ liệu tình báo.
Hôm 12/10, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những khả năng cần thiết trên chiến trường.
Washington đã chuyến giao cho Kiev một lượng lớn vũ khí hạng nặng, trong số đó có hơn 150 khẩu pháo, 20 trực thăng Mi-17, 200 xe bọc thép M113, hàng trăm chiếc Humvee và 16 hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS)...
Sau cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO hôm 13/10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẽ sớm chuyển giao thiết bị chống máy bay không người lái cho Ukraine, trong đó có hàng trăm thiết bị gây nhiễu bằng máy bay không người lái.
Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên gửi vũ khí tới Kiev, cho rằng điều này chỉ khiến xung đột kéo dài, làm gia tăng thương vong và gây hậu quả lâu dài đối với Ukraine.
Bình luận