Dừng thu phí 23 trạm BOT để phòng chống COVID-19

Đầu TưThứ Sáu, 23/07/2021 19:42:23 +07:00
(VTC News) -

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến chiều 23/7, cả nước có 23 trạm thu BOT dừng thu phí để phòng chống COVID-19.

Thông tin được đưa ra chiều 23/7 tại buổi họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải 63 tỉnh, thành.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong hai ngày 22 - 23/7, tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và trên các tuyến đường đến TP.HCM đều thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Dừng thu phí 23 trạm BOT để phòng chống COVID-19 - 1

Trạm thu BOT cầu Phú Mỹ.

Giao thông tại các chốt kiểm dịch ở Hà Nội và Hải Phòng cũng thông thoáng, không xảy ra ùn tắc. Không phát sinh điểm ùn tắc nghiêm trọng trên phạm vi cả nước. Vận tải hàng hóa theo luồng xanh đường thủy đến nay không có khó khăn, vướng mắc.

“Đến ngày 23/7, đã có 23 trạm thu phí BOT thực hiện việc dừng thu phí”, đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, những ngày qua, lưu lượng giao thông giảm 70% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16; sản lượng hàng hóa qua các cảng thủy nội địa, cảng hàng hóa giảm khoảng 1-2%. Tuy vậy, tình hình giao thông trên địa bàn thành phố và cửa ngõ ổn định.

"Vận tải hàng hóa thông thoáng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Đến nay, TP.HCM chỉ còn cấp QR Code cho các phương tiện lưu thông đi qua và đi đến thành phố. Việc cấp QR Code hoàn toàn qua phần mềm và qua kiểm tra không có hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu", đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho hay.

Tại Hà Nội, sau khi áp dụng công điện 16 của UBND TP, giao thông đường bộ duy trì ổn định. Tuy nhiên, về đường hàng không, tại sân bay Nội Bài có hiện tượng lúng túng khi phân loại khách để tổ chức cách ly y tế bắt buộc do nhiều khách đi về địa phương khác.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phản ánh, một số địa phương khác như Đồng Tháp, Vĩnh Long và Long An vẫn còn tình trạng, xe ngoại tỉnh qua chốt có mã QRCode nhưng lái xe và người phục vụ theo xe vẫn phải kiểm tra giấy xét nghiệm còn hiệu lực.

Ngoài ra, tất cả lái xe là công dân Gia Lai từ vùng dịch về tỉnh  này đều phải cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp không muốn cách ly, các đơn vị vận tải phải đổi lái xe tại chốt hoặc chuyển hàng sang xe tải khác để tiếp tục hành trình vận chuyển.

Khẳng định ngành Giao thông Vận tải phải đảm bảo việc vận chuyển, lưu thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các tỉnh bám sát hướng dẫn mới của Bộ Y tế để áp dụng thống nhất trong kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa đã có QR code, giấy xét nghiệm của lái xe khi qua các chốt theo nguyên tắc kiểm tra ngẫu nhiên, tiền kiểm, hậu kiểm. Quán triệt việc đưa lái xe vào diện đối tượng đặc biệt không phải cách ly y tế tập trung khi về từ vùng dịch.

Các địa phương khác cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, mô hình tổ chức lập chốt kiểm soát tốt, hiệu quả như Bình Thuận, Đà Nẵng và Hải Phòng... (một chốt bố trí nhiều điểm kiểm tra đối với các đối tượng khác nhau; tổ chức kiểm tra tại cảng, depot, khu tập kết hàng hóa).

“Các địa phương phải sử dụng phần mềm của Tổng Cục Đường bộ để quản lý, cấp giấy thông hành luồng xanh (qua mã QR Code) cho các doanh nghiệp và phương tiện có nhu cầu; tổ chức thực hiện liên tục, nhanh chóng và thuận tiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực”, ông Thể nói.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp