• Zalo

Đừng để thịt lợn bẩn làm mất ngon bữa cơm ngày Tết

Tư vấnThứ Sáu, 20/01/2023 06:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngày Tết, nhu cầu sử dụng thịt lợn chế biến các món ăn lớn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan nếu không biết lựa chọn thịt sạch cho việc chế biến.

Thịt lợn là thực phẩm quen thuộc dùng để chế biến món ăn trong mỗi gia đình nhất là vào dịp Tết. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay có rất nhiều chỗ nhập thịt lợn bẩn, thịt lợn chứa hóa chất về để bán.

Theo Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế, chất độc thường sử dụng trong thịt lợn siêu nạc là clenbuterol, có thể gây độc cho cơ thể. Khi bị nhiễm clenbuterol, cơ thể sẽ bị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, run cơ, co thắt phế quản, gây phù nề, liệt cơ.

Đừng để thịt lợn bẩn làm mất ngon bữa cơm ngày Tết - 1

Để tránh mua phải những miếng thịt lợn bẩn, ăn vào gây hại cho sức khỏe, các bà nội trợ có thể tham khảo những mẹo dưới đây.

Quan sát trạng thái bên ngoài

- Thịt heo tươi, ngon: Màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả. Mỡ có màu sắc, độ rắn, mùi vị bình thường. Mặt khớp láng và trong, dịch hoạt trong.

- Thịt heo kém tươi, ôi: Màu thịt hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng. Màng ngoài nhớt nhiều hoặc bắt đầu nhớt. Mỡ màu tối, độ rắn giảm sút, mùi vị ôi, dịch hoạt đục.

Quan sát vết cắt

- Thịt heo tươi, ngon: Màu sắc bình thường, sáng khô.

- Thịt heo kém tươi, ôi: Màu tối, hơi ướt.

Độ rắn và đàn hồi

- Thịt heo tươi, ngon: Rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ tay ra và không bị dính.

- Thịt heo kém tươi, ôi:

Thịt ôi: Khi ấn tay vào thịt sẽ tạo ra các vết lõm lâu, không trở lại bình thường ngay được, dính nhiều.

Thịt kém tươi: Khi ấn ngón tay để lại vết lõm, sau đó trở lại bình thường, thịt dính.

Tủy

- Thịt heo tươi, ngon: Bám chặt vào thành ống tủy, màu trong và đàn hồi.

- Thịt heo kém tươi, ôi: Tủy róc ra khỏi ống tủy, màu tối hoặc nâu, mùi hôi.

Nước canh hoặc nước luộc

- Thịt heo tươi, ngon: Nước khi nấu thịt như nước canh hoặc nước thịt sẽ có màu trong, mùi thơm ngon, trên mặt có nổi một lớp mỡ với vết mỡ to.

- Thịt heo kém tươi, ôi:

Thịt kém tươi: Nước canh đục, mùi vị hôi, trên mặt lớp mỡ, tách thành những vết nhỏ.

Thịt ôi: Nước canh hoặc nước thịt có màu đục, vẩn, mùi hôi, hâu như không còn vết mỡ.

Ngoài ra chị em cũng cần chú ý quan sát nhận biết một số dấu hiệu thịt lợn bị bệnh dưới đây:

- Thịt lợn nhiễm ký sinh trùng: Thịt lợn nhiễm giun sán thường có các kén sán nằm xen giữa các thớ thịt. Khi mua, bạn nên để ý những vùng có gân mỡ như vai, bắp, đầu, nếu thấy những hạt nhỏ trắng như hạt gạo xen giữa các thớ thịt, bắp thịt thì không nên mua. Khi thái thịt nên thái theo thớ, phát hiện kén sán thì phải bỏ ngay, đừng nên tiếc vì có thể lây bệnh cho cả gia đình, rất nguy hiểm.

- Thịt lợn ăn tăng trọng: Để nhận biết thịt lợn bị cho ăn tăng trọng và chất tạo nạc, bạn có thể dựa vào màu đỏ đậm khác thường của thịt, đôi khi có những đốm đỏ, mùi tanh hơn thịt lợn sạch, thịt khô cứng và ít đàn hồi, lớp mỡ mỏng, lỏng lẻo, phần nạc và mỡ tách rời, khi thái có thể có dịch vàng chảy ra, khi luộc nhiều váng, nước có mùi hôi, xào ra nhiều nước, ăn khô và ngấy.

- Lợn bị thương hàn: Bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím.

- Lợn bị tả: Nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.

- Lợn bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.

- Lợn bị viêm gan: Thịt có màu vàng.

- Lợn đóng dấu: Bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.

Để chọn mua được thịt lợn ngon, sạch, chị em nên mua ở các cửa hàng, siêu thị uy tín, đảm bảo nguồn gốc thịt rõ ràng.

Vân Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn