Trước những vấn đề nhức nhối liên quan đến các dự án BOT, nhất là nghi ngờ về lợi ích nhóm, PV báo điện tử VTC News đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công.
- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang hay Pháp Vân - Cầu Giẽ, chủ đầu tư chỉ rải thảm mặt đường nhưng lại thu phí như giai đoạn làm cả con đường. Sự vô lý đó khiến người dân nghi ngờ có việc chia chác quyền lợi, lợi ích nhóm ở các dự án BOT. Bộ Giao thông vận tải có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Bộ Giao thông vận tải khẳng định, không có sự chia chác quyền lợi ở các dự án BOT. Việc triển khai các dự án theo hình thức BOT được thực tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định.
Dự án Hà Nội - Bắc Giang có chiều dài đầu tư là 45 km, trong đó khoảng 20km thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang mở rộng từ 2 làn xe thành 4 làn xe, khoảng 25km thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội.
Do quy mô đã đáp ứng nhu cầu vận tải và quy hoạch nên đầu tư tăng cường mặt đường, đầu tư mới hệ thống đảm bảo an toàn giao thông đảm bảo khai thác được với yêu cầu đường cao tốc; tổng mức đầu tư dự án hơn 4.000 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có chiều dài 30km, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 hoàn thiện 4 làn xe; giai đoạn 2 mở rộng đạt 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án đang tích cực triển khai thực hiện.
Như vậy, hai dự án trên không phải chỉ thảm tăng cường mặt đường cũ, không đầu tư mở rộng như đã nêu.
Dự án Hà Nội – Bắc Giang và Pháp Vân - Cầu Giẽ là những tuyến quốc lộ quan trọng, huyết mạch; tình trạng mặt đường đã bị xuống cấp trầm trọng, tai nạn, quá tải và ùn tắc giao thông, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hai dự án trên là phù hợp với quy định pháp luật.
- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông từng nói, từ lâu thế giới đã đưa ra cảnh báo “rủi ro xảy ra tham nhũng trong BOT là lớn nhất”, thực tế sai phạm trong các dự án BOT thời gian qua được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Bộ GTVT đánh giá thế nào về công tác triển khai, quản lý, giám sát các dự án BOT giao thông thời gian qua? Trách nhiệm của Bộ GTVT khi để xảy ra hàng loạt bức xúc tại nhiều địa phương thế nào?
Thứ nhất, về công tác triển khai, quản lý, giám sát các dự án BOT giao thông thời gian qua: Trong quá trình thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai, quản lý, giám sát các dự án BOT cơ bản tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải khẳng định không có tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT.
Bộ Giao thông vận tải khẳng định không có tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công
Tính đến thời điểm này, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 8 dự án, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra 17 dự án, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán 52 dự án, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải thanh tra 24 dự án.
Ngoài ra, Quốc hội cũng tổ chức đoàn giám sát các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong các kết luận của các đoàn Thanh tra, Kiểm toán và Đoàn giám sát của Quốc hội mặc dù còn một số tồn tại trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT nhưng không phát hiện có tham nhũng, lãng phí.
Thứ hai, về kết luận của Thanh tra Chính phủ: Trong quá trình thanh tra, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh tra Chính phủ, theo kết luận của Đoàn thanh tra đã đánh giá những lợi ích mang lại của những dự án BOT như: Có nhiều dự án BOT lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu đầu tư chung của các ngành, địa phương đã thực hiện; góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, giảm bớt áp lực nợ công, cải thiện đáng kể năng lực phục vụ của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần mở rộng phương thức quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông mới, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển; người tham gia giao thông được hưởng các điều kiện thông thoáng, an toàn hơn.
Tuy nhiên, do BOT là hình thức đầu tư mới, phức tạp hơn đầu tư công truyền thống trong khi hệ thống văn bản pháp lý chưa hoàn thiện, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, chất lượng nguồn nhân lực của các chủ thể tham gia còn hạn chế, lúng túng nên công tác quản lý đầu tư không tránh khỏi những tồn tại nhất định.
Qua kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và đã cập nhật điều chỉnh các sai sót theo ý kiến kết luận Thanh tra chính phủ; đồng thời Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các tập thể, cá nhân nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định.
- Tại sao không áp dụng hình thức thu phi kín đối với tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang?
Trong quá nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu phương án thu phí kín đối với Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang.
Tuy nhiên, do đặc trưng Dự án nối liền các khu công nghiệp và khu đô thị nên trong tổng số 46km có đến 13 nút giao liên thông, có những vị trí nút giao cách nhau chưa đến 2km, nếu áp dụng hình thức thu phí kín chi phí đầu tư các trạm thu phí phụ và chi phí vận hành hệ thống thu phí phụ này sẽ rất lớn, điều này dẫn đến việc không khả thi cho phương án tài chính của Dự án.
Video: Người dân phản ánh BOT Hà Nội - Bắc Giang thu phí bất hợp lý
- Sự khác nhau giữa hình thức thu phí kín và hở tại dự án BOT ra sao? Các thức lựa chọn hình thức thu phí kín cho các dự án BOT thế nào?
Hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chỉ có hai hình thức thu phí là thu phí lượt và thu phí kín. Thu phí lượt là hình thức thu phí mà các phương tiện đi qua trạm thu phí phải trả phí cho một lần đi. Thu phí kín là hình thức thu phí mà các phương tiện trả phí theo số chiều dài quãng đường thực đi.
Hình thức thu phí kín chỉ phù hợp áp dụng đối với hệ thống đường cao tốc do đường cao tốc các giao cắt khác mức, không có các đường ngang nên có thể kiểm soát được sự ra, vào của các phương tiện.
Thu phí hở áp dụng đối với các tuyến quốc lộ do có nhiều đường ngang và giao cắt đồng mức nên không thể kiểm soát được sự ra vào của các phương tiện do.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận